Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Wikileaks, các ảnh hưởng

Ông Julian Assange, gốc Úc, chủ trang mạng Wikileaks đã rất thành công khi tiết lộ những tin tức thuộc loại nhạy bén liên quan đến các trao đổi giữa một số giới chức có liên hệ đến một số nước tại Á Châu và mọi sự liên quan đến Á Châu cũng như thế giới đều có liên quan đến Mỹ . Truyền thông báo chí thế giới nhập cuộc đồng loạt đã làm cho trang mạng này mau chóng trở thành nổi tiếng . Anh Quốc nói là các tiết lộ không gây ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh, do vậy Julian Assange hiện vẫn sống đâu đó bên Anh. Phía Mỹ thì bà Ngoại Trưởng cũng tuyên bố nội dung tương tự như phía Anh, nhưng Thượng Nghị Sỹ Joe Lieberman gọi Assange là khủng bố kỹ thuật cao; một số Cty tìm kiếm trên mạng đã đóng hoặc đang tìm cách gây khó dễ cho Wikileaks . Tin mới nhất cho thấy, Julian Assange đang tìm đến Thụy Sỹ để mở lại trang mạng của ông ta và hứa sẽ tiết lộ thêm một số tin tức mới trong vài ngày tới đây. Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta nên xem xét sự kiện Wikileaks như thế nào liên quan đến chính trị cũng như ngoại giao thế giới hiện đại? Liệu các chính phủ bị nêu tên có thể làm gì để ngăn chặn các loại tin tức được thẩm lậu theo kiểu Wikileaks? Lỡ sau này có thêm Wikileaks khác thì sao?Và hơn bao giờ hết, Wikileak có dẫn đến điều mà một tờ báo lớn tại Mỹ đã nói tới là có thể dẫn đến thế chiến III hay không?

Chiến Tranh trên Mạng Điện Toán Toàn Cầu

Wikileaks chính là điển hình của kiểu chiến tranh hiện đại đối với thế giới hiện đại; khi mọi thông tin liên lạc giữa các giới chức chính quyền hay tư nhân, cũng như mạng lưới điện nước, hàng không, đường sắt quốc gia nay được điện toán hóa toàn diện .Quốc gia càng hiện đại bao nhiêu thì càng lệ thuộc vào mạng lưới điện toán này bấy nhiêu, nên càng dễ bị tin tặc tấn công bấy nhiêu. Cho nên an ninh điện toán nay trở thành một lãnh vực tối quan trọng đối với các xã hội hiện đại. Chiến tranh hiện đại khác hẳn so với mọi hình thái chiến tranh mà ta đã chứng kiến trong quá khứ; theo đó khi các bên không thể giải quyết được bất đồng trên bàn hội nghị thông qua giải pháp tương nhượng quyền lợi (chủ yếu bằng sự chia cắt các lãnh thổ bị chiếm để giao cho phía kia để cố giữ hòa bình trong đoản kỳ nào đó). Hai hoặc nhiều phía chấp nhận đi vào chiến tranh để dành thế thượng phong để thương thuyết về căn bản quyền lợi mới. Điều này chi phối chính trị Âu Châu trong thế kỷ 19-20 với các cuộc chiến tàn phá hủy diệt như ta đã từng chứng kiến.

Chiến tranh lạnh chấm dứt, đánh dấu thời kỳ Internet bao phủ toàn cầu; làm xuất hiện các thế lực mới nổi cũng muốn phân chia lại thế giới: đó là Hán Hoa, trong khi Hồi Giáo cũng muốn tự khẳng định vị thế của mình đối với thế giới. Tâm điểm của cuộc cờ hiện nay là tại Á Châu Lục Địa trải dài từ Viễn Đông đến Địa Trung Hải liên quan đến nhiều văn hóa, chủng tộc, lịch sử khác biệt và đã từng đi vào chiến tranh suốt mấy ngàn năm qua. Kỹ thuật văn minh phương Tây đi vào vùng này, ngay tức khắc làm trỗi dậy tham vọng bành trướng do các cấp lãnh đạo chủ trương cực đoan cổ vũ cho chủ nghĩa quốc gia nước lớn để tự khẳng định mình đối với Á Châu cũng như đối với chính Phương Tây.

Nhưng đối với thế giới thì cuộc chiến này chính là cuộc chiến xây dựng, chứ không phải là cuộc chiến tàn phá như đã sảy ra trước năm 2000 , nên chiến lược ứng dụng, cách thức hành xử trong ngoại giao cũng khác hẳn với mọi cuộc chiến trước đó . Irak, Afghanistan vốn là vùng đất khó thống nhất nhất đối với Á Châu, do các tranh chấp bộ tộc, giáo phái quyện lại với nhau. Như vùng bộ tộc Warizistan thuộc Pakistan sát biên giới Afghanistan là vùng chưa bao giờ có sự hiện diện của chính quyền trung ương Pakistan tại đó, vùng này do người Pashtun cư ngụ cùng gốc với người Pashtun phía nam Afghanistan .Cho nên quân Mỹ, cũng như NATO tham chiến ở hai mặt trận này là nhằm đặt nền tảng cho xây dựng, chứ không phải đặt căn bản cho tàn phá. (thời chiến tranh tàn phá đã qua rồi, từ trước năm 2000).

Khi thế giới bước vào thời kỳ xây dựng thì chính trị toàn cầu cần được thực thi dựa trên lý thuyết chính trị mới cũng như phương cách hành xử khác so với thế kỷ 20; theo đó : “ nước lớn -cho dù là siêu cường hạng nhất thế giới- cũng không thể áp đặt hoặc thương thuyết với các thế lực lớn khác để áp đặt một sự tương nhượng quyền lợi bằng cách chia cắt các chủng tộc khác, đất nước nhỏ khác, các lãnh thổ khác nhau để đặt dưới quyền chi phối của bất cứ nước lớn nào khác . Thay vào đó mọi thế lực trên thế giới dù cường quốc quân sự, kinh tế, kỹ thuật phải tôn trọng quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự chủ của mọi dân tộc lớn bé khác nhau dựa trên tinh thần hợp tác toàn diện vì một thế giới hợp nhất”.

Do thế, chẳng còn khái niệm liên quan đến thuyết quân bình lực lượng đã tồn tại trong thế kỷ 19, chẳng còn kiểu trung lập hóa, hoặc kiểu đổi vùng này lấy vùng kia. Chỉ có duy nhất một vấn đề là: “anh chấp nhận trật tự thế giới mới hay không mà thôi”. Anh chưa chấp nhận, không chấp nhận, hoặc chỉ chấp nhận với điều kiện do anh đưa ra đều là vô ích . Vì quyền lợi về an ninh, kinh tế tài chánh, kỹ thuật của anh được đặt trong hệ thống toàn cầu; theo đó anh có quyền mua bán tự do mọi thứ hàng hóa cũng như kỹ thuật; an ninh của anh chẳng bao giờ bị đe dọa bởi bất cứ thế lực nào khác; miễn sao anh sống trong xã hội dân chủ với thị trường tự do toàn cầu, tôn trọng quy tắc hành xử được quốc tế công nhận; do thế anh chẳng cần xâm lăng nước khác để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên . Đó chính là con đường duy nhất để cứu thế giới này, vĩnh viễn chấm dứt chiến tranh giữa người với người trên trái đất này . Anh cố tình chống lại chủ trương đó, chính là anh chống lại đường lối mà mọi dân tộc khác đang noi theo, dứt khoát anh sẽ bị hủy diệt bởi chính dân chúng của anh chứ không phải bởi thế lực từ bên ngoài.

Cho nên chính trị thế giới bắt đầu từ sau năm 2000 khác hẳn với lề thói chính trị kiểu thế kỷ 20 . Chính trị mới đòi hỏi mọi thế lực phải tự đổi thay, chuyển mình để đáp ứng với tình hình mới, vô luận là tôn giáo, hay nước lớn nhỏ khác nhau, hiện đại hay chậm tiến; Âu, Á, Phi Mỹ La Tinh đều phải đi theo con đường đó chẳng có ngoại lệ nào cả . Xin hãy xem Tòa Thánh La Mã mạnh như thế nào, thế mà Tòa Thánh cũng phải đổi thay cho thích nghi với thế giới mới dựa trên tinh thần Hòa Đồng Tôn Giáo để từng bước hình thành Tôn Giáo Toàn Cầu; theo đó Giáo Hoàng tại La Mã cũng chỉ là một trong nhiều Pope đối với tôn giáo toàn cầu mà thôi (trích Toàn Cầu Hóa). Xin hãy xem nước Mỹ hùng mạnh ra sao, nhưng chính Mỹ cũng đang đổi thay cho phù hợp với thế giới mới .

Xin lưu ý là, theo cách thực hiện chính trị kiểu thế kỷ 20 thì liệu Mỹ có thể để cho Hán Hoa làm loạn hay không? Thế mà quyền lực Toàn Cầu lãnh đạo bởi Mỹ vẫn kiên trì thương thảo với mọi phía nhằm tìm một giải pháp cho toàn cầu. Một Siêu Cường bậc nhất như Mỹ hiện nay đâu có thể xử dụng vũ lực một cách bừa bãi để áp đặt giải pháp cho vùng này vùng nọ đượ . Điều quan trọng nhất đối với đường lối toàn cầu hiện nay chính là: mỗi nước tự tìm lấy một giải pháp cho chính mình bằng và thông qua việc tương nhượng quyền lợi giữa các cộng đồng hình thành nước ấy, để sớm đưa đất nước vào con đường dân chủ và thị trường tự do . Xã hội dân chủ sơ kỳ đó vẫn cần thời gian khá dài ở phía trước để tự hoàn thiện khi tầng lớp công dân mới được xây dựng và hình thành để tự họ nắm lấy vận mệnh của dân tộc họ, đất nước họ trong một thế giới mới, một văn minh mới .

Do thế, chiến tranh giữa các nước Á Châu trong thế kỷ 21, cho dù lớn đến đâu chăng nữa, cho dù có gây chết chóc ra sao chăng nữa; đối với quyền lực toàn cầu vẫn là chiến tranh xây dựng . Quyền Lực Toàn Cầu cũng như Mỹ không thể chủ động tiến hành chiến tranh nhằm áp đặt trật tự được. Wikileaks đã để lộ việc ấy ra một cách rõ ràng khi tin tức được thẩm lậu ra ngoài cho biết, Quốc Vương Ả Rập Seoud đã hơn một lần chánh thức yêu cầu Mỹ cắt đầu con rắn Iran, nhưng Mỹ đã không thực hiện theo yêu cầu của các quốc gia Hồi Giáo trong vùng Trung Cận Đông . Dĩ nhiên mỗi khi có yêu cầu của Saudis Arabia, Mỹ điều Hàng Không Mẫu Hạm đến vùng vịnh Persia để thị uy chứ không phải để đánh Iran, hoặc tìm những cách khác nhau nhằm làm trì hoãn chương trình nguyên tử của Iran . Vấn đề Iran sẽ do các nước Hồi Giáo Trung Đông tự giải quyết lấy. Điều này cũng giống với những gì đang diễn biến tại Á Châu Lục Địa liên quan đến Bắc Triều Tiên, Hán Hoa cũng như Pakistan hoặc Đông Nam Á . Mỹ chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải mà thôi .

Chủ trương toàn cầu tại Á Châu thật rõ ràng là: tự chế, thương thảo để thuyết phục các nước Á Châu tôn trọng quy luật hành xử quốc tế, chấm dứt chủ trương xâm lăng nhắm vào các nước nhỏ trong vùng. Thực tế, Hán Hoa đâu có chấp nhận cách thức hành xử như vậy, vẫn quyết liệt chủ trương xâm lăng lân bang, chiếm lĩnh vùng biển trong kế sách lâu dài muốn trở thành thế lực chia đôi thế giới để đặt căn bản cho chủ trương xâm chiếm toàn cầu. Kết quả là thế giới đang phải đối diện với hàng loạt các bất ổn ngày càng leo thang trên quy mô toàn vùng. Việc này đe dọa an ninh thế giới. Thực tế cho thấy, sự tự chế của Mỹ cũng như các nước dân chủ tự do khác trên thế giới xem ra lại đang dẫn thế giới đến bên bờ của chiến tranh lớn về đủ mọi lãnh vực cũng như địa bàn khác nhau. Cyber War là một hình thái chiến tranh đặc biệt trong thế kỷ 21 này vậy.

Cyber War. Star War,

Nói đến Cyber War là nói đến : a/ hệ thống vệ tinh cùng các phương tiện giám sát khác nhau,như phi thuyền X 37 B do Cty Boeing sản xuất có thể bay trên qũy đạo cận địa cầu 270 ngày hoặc lâu hơn nữa nhằm thực hiện các sứ mạng giám sát cũng như tấn công trên đất liền kể cả hầm ngầm sâu trong lòng đất, trên mặt biển cũng như trong lòng biển . b/ hệ thống Cable Quang đặt trong lòng biển xuyên Đại tây Dương cũng như Thái Bình Dượng nối kết Lục Địa Á Châu với Châu Mỹ, hoặc Địa Trung Hải băng qua Hồng Hải đến Ấn Độ Dương . Hệ thống Cable Quang này rất mong manh và dễ bị các phía đối nghịch phá hoại hoặc gắn thiết bị nghe lén. c/ Hệ thống tin tặc Hackers do các nước nuôi tham vọng bành trướng muốn thâu thập mọi nguồn tin tức truyển tải bằng kỹ thuật IT (Information Technology) . Trong thế kỷ 20 hoặc trước đó, những hình thức hoạt động tình báo như vậy đều được thực hiện thông qua những nhân viên tình báo được gài vào phía đối phương; sang thế kỷ 21, tuy mật báo viên vẫn cần, nhưng được bổ sung bởi đội ngũ tin tặc xâm nhập vào các hệ thống thông tin của mọi nước.

Điều này gây ra hai tác dụng trái ngược:

thứ nhất là chưa chắc nước có kỹ thuật cao nhất có thể bảo vệ được an ninh điện toán của mình đối với mạng lưới tin tặc; nhiều khi do bất ngờ hackers xâm nhập được vào hệ thống truyền tin tối mật của quốc gia đó, mai phục để thâu thập mọi điện đàm cũng như hình ảnh tin tức liên quan đến đường lối chủ trương của phía đối phương, kể cả hệ thống chỉ huy kiểm soát thuộc quân đội của nước đó. Thực tế này rất dễ dẫn đến chiến tranh nguyên tử trên quy mô toàn cầu, nếu tin tặc ra lệnh giả cho lực lượng phòng thủ chiến lược bắn hỏa tiễn vào phía đối nghịch. Đặc biệt đối với các nước có vũ khí nguyên tử cũng như hỏa tiễn nhưng xã hội được tổ chức rất tồi như Bắc Triều Tiên hay Pakistan chẳng hạn.

Thứ hai là các nước nhỏ có trình độ kỹ thuật thấp dễ bị thao túng, hủy diệt bởi nước khác có kỹ thuật cũng như sức mạnh hơn. Khi đó nước lớn kiểm soát được cái Mind của nước nhỏ, do nước lớn kiểm soát được hệ thống truyền tin của nước nhỏ thường có kỹ thuật thấp về IT trong việc tự bảo vệ mình khỏi các sự xâm nhập từ bên ngoài. Hình thái xâm lăng mềm như vậy có thể mau chóng dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn nhiều nước nhỏ khác nhau. Do vậy, thế giới cần hình thành một trật tự mới có khả năng vừa hợp nhất con người, nhưng cũng đồng thời bảo vệ được các nước nhỏ, các nền văn hóa khác nhau; nhằm giữ sự đa dạng về văn hóa cũng như chủng tộc trên địa cầu này .

Hình thức xâm lăng mềm bằng kỹ thuật IT cần được ghi thêm phương cách này, để tính toán đến mọi yếu tố tác động đến an ninh quốc gia của từng nước. Cho nên nước nhỏ cần xác định đồng minh, nếu không sẽ không được bảo vệ đối với hàng loạt những cuộc tấn công như vậy do các nước lớn nuôi tham vọng bành trướng gây ra đối với an ninh của từng nước nhỏ . Cụ thể là Hán Hoa hiện đang ra sức kiểm soát khống chế hệ thống điện toán các nước xung quanh .

Đặc trưng của các nhà nước lớn mới nổi nuôi tham vọng bành trướng là : a/ khôi phục chủ nghĩa quốc gia kiểu cổ điển, cai trị kiểu độc tài, hành động bất chấp luật lệ cũng như quy tắc hành xử văn minh được các nước khác chấp nhận b/ Chủ trương tiến thật nhạnh bằng cách ăn cắp kỹ thuật của nước có trình độ khoa học hiện đại hơn để mau chóng hiện đại hóa sức mạnh kinh tế, chính trị cũng như xã hội nhằm đòi hỏi thế giới phải tôn trọng vị trí siêu cường của họ c/ Nga và Hán Hoa chính là hai nước có đội ngũ tin tặc lớn nhất thế giới và hoạt động bất chấp quy luật quốc tế.

Điều này là một đe dọa đối với an ninh toàn cầu khi vũ khí sát thương tập thể WMD (Weapons of Mass Destruction) được các nước này bí mật phổ biến rộng rãi đến một số nước giữ vị trí chiến lược tại Á Châu nhằm biến các nước này thành phương tiện gây sức ép gián tiếp với quyền lực toàn cầu để đặt điều kiện thương thuyết liên quan đến quyền lợi của Hán Hoa. Khi Hán Hoa đòi hỏi thì Nga, Iran là quốc gia kế cận cũng đòi hỏi do mối liên hệ an ninh. Như với Nga vì e ngại bị Hán Hoa xâm lăng về lâu dài nên đòi hỏi Mỹ cũng như quyền lực toàn cầu phải chấp nhận để Nga tái vũ trang với kỹ thuật chiến tranh hiện đại nhất để ngăn chặn Bắc Kinh một khi tình hình xấu sảy ra. Kỹ thuật hiện đại này, Nga cũng chỉ tìm thấy tại Mỹ mà thôi, nên đạo quân tin tặc của Nga rất đông đảo là vậy.

Như Iran muốn tìm kiếm kỹ thuật chiến tranh hiện đại để đe dọa an ninh toàn vùng nhằm cố bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số Shia đối với khối đa số Sunni thuộc thế giới Hồi Giáo; việc này còn liên quan đến lịch sử lâu dài của Iran khi đế chế Iran tiên khởi là Achaemenid đã cai trị toàn vùng cách nay trên 2500 năm. Cho nên mối quan hệ khắng khít giữa Hán Hoa với Iran là thực tế chẳng thể phủ nhận.Bắc Kinh muốn tạo thật nhiều đám cháy khắp nơi từ Châu Phi (như Sudan) Nam Mỹ (như Bolivia, Peru, Venezuela), Nam Á như tại Miến Điện, Bhutan, bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, Pakistan hoặc Bắc Triều Tiên, hay với Nhật Bản liên quan đến đảo Senkaku hiện thuộc Nhật Bản để đòi lại đảo Okinawa. Tất cả đều nhằm đánh lạc hướng dư luận thế giới để Hán Hoa tập trung nỗ lực chiếm vùng biển Đông của nước ta mà Hán Hoa gọi là vùng Biển Lưỡi Bò, được Bắc Kinh gọi là tuyến hải đảo thứ nhất .Âm mưu chiến lược quan yếu nhất của Hán Hoa chính là vùng Đông Nam Á, chưa xong ĐNÁ, Bắc Kinh chưa thể tính đến các vùng khác được.

Như thế, Cyber War vừa là vũ khí tấn công vào mạng điện toán của đối phương, vừa là vũ khí phòng thủ đối với mạng điện toán của ta; an ninh điện toán cực kỳ quan trọng là vậy. Tình hình đó cho thấy, thế giới thật khó có thể tránh được thảm họa chiến tranh lớn toàn diện.Cuộc chiến này sẽ sảy ra trên không gian bằng việc bắn hạ vệ tinh của nhau (Star War), không gian điện toán (Cyber War) do đội ngũ các hackers được Hán Hoa tung vào trận địa, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt như hỏa tiễn liên lục địa cũng như vũ khí nguyên tử .Diễn trình chiến tranh (Theatre of War) sẽ rất dữ dội và phức tạp, chiến thắng sẽ thuộc về phía nào đủ kỹ thuật để bất ngờ ra tay trước để đánh sập hệ thống chỉ huy kiểm soát cũng như mạng điện toán của đối phương. Thế giới đang chờ một coup như vậy sẽ sảy ra vào một lúc nào đó, nhắm vào một nước nào đó có khả năng răn đe đối với kế hoạch bành trướng của Bắc Kinh. Ấn Độ, VN có nhiều khả năng sẽ là mục tiêu của coup tấn công như vậy do Hán Hoa tung ra kết hợp với hải cũng như không quân cũng như xâm lăng bằng quân bộ chiến (kể cả thường dân của Hán tràn vào lân bang) . Việc này nếu ước tính là đúng thì Hán Hoa phải thực hiện thật nhanh gọn để tránh không bị Mỹ cũng như thế giới lên tiếng chống đối.Khi đó Hán Hoa mới quay lại thương thuyết với Mỹ về quyền lợi của Hán .

Bắc Kinh muốn áp đặt trật tự điện toán kiểu Hán

Sự kiên Google’s bị Bắc Kinh làm khó dễ không cho hoạt động tại Hoa Lục nói lên hai điều: thứ nhất là Bắc Kinh muốn dành quyền kiểm soát hệ thống Internet trên toàn cõi Hoa Lục, trên căn bản đó dung Internet kiểm soát thị trường ĐNÁ cùng các nước lân bang khác tại Nam Á, Trung Á, cũng như kiểm soát an ninh truyền thông trong vùng . Điều này cần coi như một cuộc tấn công vào quyền tự do truyền thông của Hoa Lục nhắm vào toàn cõi Á Châu. Sự kiện Google’s báo hiệu một đòn tấn công toàn diện của Hán Hoa nhắm vào lân bang thông qua hệ thống điện toán do Bắc kinh làm chủ. Mới tuần rồi Bắc Kinh lên tiếng báo là họ đã sản xuất ra máy điện toán mạnh nhất thế giới, chính là để hỗ trợ cho hệ thống thâu thập tin tức trên mạng của Hán Hoa như vũ khí xâm lăng tối thượng nhắm vào các nước ĐNÁ, Nam Á cũng như vùng Đông Ural của Nga. Tình hình đó cho thấy đây là bước khởi đầu của cuộc tấn công lớn của Bắc Kinh trong lãnh vực điện toán nhắm vào các lân bang, tiếc thay không một nước ĐNÁ nào lên tiếng cảnh báo về âm mưu chiến tranh trên mạng này của Bắc Kinh.

Đánh giá việc này, ta nên coi việc đẩy Google’s về Hongkong chỉ mới là bước thứ nhất trong hàng loạt bước kế tiếp theo sau có tính toán của Bắc Kinh dựa trên sự kết hợp chiến tranh kinh tế, với âm mưu khuynh loát với đe dọa xử dụng vũ lực nhắm vào các nước láng diềng của Hán Hoa nhằm thôn tính mạng điện toán toàn vùng. Trong khi chờ đợi các coup tấn công khác nhau do Bắc Kinh tung ra, các cánh tay của Bắc Kinh chưa vội vươn đến ĐNÁ; họ cần chờ vài ba năm nữa để thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống tại nước họ trước khi tung đòn chiến lược nhắm vào các lân bang xung quanh. Ta sẽ chứng kiến việc đó trước năm 2015 như dự trù của Hán Hoa.Như vậy bước kế tiếp là đẩy Google’s ra khỏi Hongkong.

Dĩ nhiên vào lúc này, Google’s, yahoo vẫn nắm quyền chi phối đối với hệ thống tìm kiếm trên mạng.Nhưng có thể chỉ 5 năm tới, cuộc chiến giữa những anh khổng lồ Google’s, yahoo với Baidu cùng các Cty tìm kiếm trên mạng của Bắc Kinh sẽ nổ ra vô cùng quyết liệt. Việc này chắc hẳn được Ủy Ban Duyệt xét Thương Mại trực thuộc Quốc Hội Mỹ xem xét cẩn trọng trong các báo cáo mỗi 6 tháng của mình lên Quốc Hội Mỹ . Trong nhiều báo cáo của Ủy Ban đã luôn nhấn mạnh đến sự kiện Hackers Tầu không ngừng xâm nhập các hệ thống điện toán nội bộ của các cơ quan Mỹ, kể cả tại Quốc Hội, cũng như một số Thượng Nghị Sỹ Mỹ cũng đã từng bị tin tặc Tầu tấn công . Bắc Kinh luôn tuyên bố vô can mặc dù phía Mỹ bắt được xuất xứ của hackers Tầu là tại Honkong.

Phúc trình của Ủy Ban Duyệt xét an ninh kinh tế Mỹ Hoa đã nói rõ là: Tầu là nơi xuất phát các cuộc tấn công vào mạng điện toán của Mỹ cũng như Âu Châu, Ấn Độ. Khác hẳn với thực tế tại các nước dân chủ, hackers hoạt động bí mật kín đáo vì bị luật pháp tại các nước dân chủ cấm đoán coi việc xâm nhập vào domain của người khác là vi phạm hình luật; Tầu có hẳn hai trường đào tạo hackers, một thuộc viện đại học, trường kia trực thuộc quân đội Tầu ngày đêm miệt mài tìm kiếm mai phục nhằm xâm nhập vào trang mạng của các nước khác. Mới đây Mỹ đã khám phá ra sự kiện Tầu đã xâm nhập hệ thống E Mail toàn cầu trong 18 phút; trong 18 phút đó mọi E Mail gởi đi đều chạy qua gate do Tầu dựng lên, thế là Tầu đọc được hầu hết các e mail gởi đi trong 18 phút đó. Ta cần coi sự kiện này là một thử nghiệm đối với kỹ thuật tìm kiếm trên mạng, cũng chính là hệ thống giám sát điện toán/viễn thông của Tầu.

Tình hình đó báo hiệu điều gì? Thật rõ ràng là trong thời gian hơn 30 năm qua, Tầu được Mỹ cung cấp cho các cơ hội làm ăn để làm giầu cũng như chuyển giao kỹ thuật để Tầu củng cố sức mạnh cơ bắp, đe dọa lân bang gần như VN, Đông Dương; xa hơn như Úc Đại Lợi, Trung Đông . Bắc Kinh nay muốn xây dựng sức mạnh trong ngành high Tech, muốn khẳng định vị trí siêu cường kỹ thuật của mình thông qua hàng loạt các cuộc tấn công vào mạng điện toán Mỹ cũng như thế giới để thử nghiệm khả năng trước khi tung ra coup đánh phủ đầu vào các mục tiêu chiến lược mà Hán chọn lựa (cụ thể là Ấn Độ cũng như ĐNA) nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo lãnh vực IT trên phạm vi toàn cầu. Kỹ thuật IT quyết định thành bại cũng như sức mạnh của quốc gia Hán đối với thế giới. Tham vọng của Hán không đơn giản chỉ nhằm chiếm lấy biển đông nước ta, hay đảo Okinawa, hoặc vùng đảo Andaman nay thuộc Ấn Độ; mà còn muốn Mỹ nhượng bộ Hán Hoa trong lãnh vực IT, lãnh vực này liên quan đến kỹ thuật hỏa tiễn, nguyên tử cũng như hệ thống vệ tinh bao phủ địa cầu.

Ai làm chủ không gian người đó quyết định chiến trường. Liệu Mỹ có thể nhượng bộ Hán được hay không? Ngay cả một tình huống như vậy sảy ra, liệu các đồng minh của Mỹ có chấp nhận hay không?(như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc) . Đây là vấn đề sinh tử đối với Mỹ cũng như quyền lực Hội Kín trong việc theo đuổi mục tiêu sâu rộng là bình định thế giới thống nhất nhân loại chấm dứt chiến tranh đã được chánh thức hình thành cách nay 4 thế kỷ. Đây là cuộc chiến tối hậu chẳng thể tránh được nữa . Nhưng việc Hán bành trướng là vấn đề của Á Châu, phải do Á Châu tự giải quyết lấy; Mỹ chỉ hỗ trợ khi có yêu cầu của các nước Á Châu độc lập có chủ quyền và quyết thực hiện con đường hợp nhất nhân loại về một mối mà thôi. Á Châu cần ý thức được hướng đi của thế giới để chọn lựa chiến lược phù hợp với thế giới mới.

Do thế, mọi hoạt động hackers của Tầu nhắm vào hệ thống điện toán toàn cầy cần được nhìn trên căn bản toàn diện như vậy mới thấy rõ tham vọng của Bắc kinh. Rõ ràng là Hán Hoa muốn thế giới bắt buộc phải duyệt lại trật tự truyền thông cũng như trật tự viễn thông, trật tự khoa học kỹ thuật cũng như hàng không hàng hải sao cho có lợi cho Hán Hoa; nếu không Hán Hoa tiếp tục làm càn bằng cách xâm lăng thế giới về mọi mặt. Trong tình huống như vậy, liệu thế giới có thể tránh được chiến tranh lớn hay không?

Phản Công có giới hạn

Trong xã hội dân chủ, nhiều khi một số chủ trương của chính phủ không được một số thành phần nào đó trong xã hội chấp nhận, họ có quyền hiến định thực hiện các chủ trương mà họ coi là đúng miễn sao phù hợp với luật pháp hiện hành mà chính phủ không thể can thiệp được; vì đó là quyền căn bản được Hiến Pháp nhìn nhận, trong đó quyền tự do phát biểu được coi là quyền tối thượng. Dĩ nhiên trong cơ cấu chính quyền luôn gồm nhiều tầng bảo mật khác nhau, càng ở cấp cao lãnh đạo càng được biết những tin tức nhạy bén thuộc loại tuyệt đối bí mật và thường là rất tổng quát; ở cấp thừa hành cấp cao khi những tin tức như vậy được thẩm lậu ra ngoài mới gây ra tác động lớn; ở cấp thấp hơn thì các loại tin tức thường mang cấp độ an ninh thấp hơn nên số người được phép truy cập cũng nhiều hơn. Dĩ nhiên những người ấy đều bị điều chuẩn an ninh kỹ lưỡng với mức độ giám sát khác nhau của các cơ quan giám sát chuyên ngành. Ông Juliạn Assange tuy là công dân Úc, thực tế có thể được tiếp cận các nguồn tin như thế một cách trực tiếp hoặc do ai đó đã chuyển đến cho ông ta các loại tin như vậy. Cách giải thích là có một hạ sỹ làm việc tại Afghanisstan để rò rỉ ra chỉ là cách đánh lạc hướng dư luận mà thôi.Tay hạ sỹ đó bất quá cũng chỉ là vật tế cờ bung sung.

Thực tế, số người được phép tiếp cận những thông tin tế nhị như vậy thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, con số có thể lên đến cả triệu người trên khắp thế giới (dĩ nhiên tại các quốc gia Âu Mỹ) cho nên những tin tức được Wikileaks rò rỉ ra cũng chẳng gây thiệt hại gì liên quan đến an ninh quốc gia tại các nước khác nhau như Anh, Mỹ hay Âu Châu. Cách thức mà Wikileaks xử dụng cũng như nội dung một số tin mới đáng để ta quan tâm, vì trong các tin đó, có vài tin thuộc loại kín nên số người được phép tiếp cận bị giới hạn. Như tin liên quan đến vua Ả Rập Seoud yêu cầu Mỹ chặt đầu con rắn Iran chẳng hạn. Tin này được cố tình để lộ ra để báo cho Iran biết rằng: các nước Hồi Giáo Sunni muốn tiêu diệt chế độ Giáo Trưởng tại Iran để đem lại hòa bình cho toàn vùng, hoặc như tin nói Bắc Kinh có vẻ muốn hy sinh con cờ Bắc Triều Tiên, được coi là đứa bé ngỗ nghịch.

Nhưng so với một số tin được nói tới trước đây liên quan đến vụ 9-11 khi Giang Trạch Dân tỏ ra rất thích thú xem đi xem lại nhiều lần băng ghi hình biến cố này; hoặc tin liên quan đến Saddam Hussein xin đầu hàng nhưng phía Mỹ quyết không cho đầu hàng. Ông Bush ra lệnh không tập ồ ạt bằng hỏa tiễn cũng như không quân để Saddam Hussein không thể tuyên bố như vậy sau phiên họp của nội các do Saddam Hussein chủ tọa; thì các tin đó động trời hơn nhiều, nhưng ít ai quan tâm thậm chí tin là không hề có sảy ra. Do cách thức rò rỉ tin động trời như vậy không được quảng bá rầm rộ kiểu Wikileaks. Mà thực ra các tin động trời như vậy lại thường xuất hiện bởi những người Mỹ chủ trương toàn cầu hóa một cách quyết liệt. Như thế, Julian Assange thực tế phải được coi là một trong nhiều nhánh như vậy vẫn hiện diện tại các xã hội Âu Mỹ.

Như vậy, cách thức tung tin kiểu Wikileaks thực ra chính là chơi canh bài lật ngửa nhằm trả đũa cách thức mà Bắc Kinh thực hiện kiểu chiến tranh của kẻ ăn trộm nhưng vẫn già họng nói nhân nghĩa. Cách thức tiến hành cuộc phản công có giới hạn như được Ông Julian Assange tiến hành, cho dù mang tính cá nhân hay tập thể đứng sau ông, đều để lộ cho thấy chủ trương sâu rộng khác liên quan đến chính trị toàn cầu hiện đại. Chính trị hiện đại không phải là ỷ thế nước lớn để đi xâm lăng các nước nhỏ, siêu cường chẳng thể nhân danh bất cứ chính nghĩa nào để đi đêm phân chia vùng ảnh hưởng như kiểu thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20 được nữa. Tình hình thế giới đã đổi thay, mọi nước lớn nhỏ phải thay đổi cách sống chung với nhau trong công chính và trong sáng. Hán Hoa muốn thực hiện chính trị kiểu cổ xưa chính là đi ngược lại với chiều hướng thế giới hiện nay. Hán Hoa tung hackers xâm nhập các mạng điện toán các nước khác, nhưng luôn phủ nhận mọi sự dính líu, mặc dù cũng đã nhiều lần Mỹ cũng như Âu Châu gián tiếp cảnh báo khi đem vài nhân vật tình báo của Bắc Kinh ra xét xử tại tòa án .

Cho nên Wikileaks công khai một số vấn đề được xếp vào loại tế nhị nhằm trả đũa lại Hán Hoa là chính yếu . Mặc dù cho đến lúc này, các tin tức liên quan đến Hán Hoa vẫn chưa được tung ra. Các tài liệu thẩm lậu ra chỉ mới là màn giáo đầu mà thôi. Khi tình hình trong thực tế diễn biến, Wikileaks có thể thẩm lậu những tin tức động trời khác nữa để đẩy các bất đồng lên cao hơn nữa giữa các thế lực trên thế giới.

Như vậy sự kiện Wikileaks diễn biến ra sao trong tương lai tùy thuộc vào cách thức mà các bên liên hệ ứng phó với tình hình thế giới như thế nào mà thôi. Thật rõ ràng là Wikileaks cho dù có phạm vào quy luật bảo mật trong thông tin, nhưng lại báo hiệu cách thức hoạt động chính trị trong cũng như sau thế kỷ 21 này là : “ chính trị toàn cầu không chấp nhận kiểu đi đêm chia cắt nhằm chia chác quyền lợi giữa các nước lớn với nhau . Toàn cầu hóa đòi hỏi mọi việc liên quan đến vận mệnh thế giới phải được thực hiện công khai và trong sáng. Những ai không chấp nhận nguyên tắc đó, Wikileaks đánh lá bài lật ngửa đối với thế giới là vậy”.

Chúng ta cần thấy rõ sự vận hành của các xã hội dân chủ tự do mới hiểu được đôi điều tế nhị liên quan đến sự kiện Wikileaks. Tình hình tế nhị của thế giới hôm nay, khi Hán Hoa cứ tiếp tục ăn cắp kỹ thuật thông qua hệ thống tình báo trên mạng điện toán toàn cầu, mà cho đến lúc này thế giới chưa có luật lệ rõ ràng, thì một số cá nhân nào đó trong các quốc gia dân chủ có quyền thực hiện các hoạt động phù hợp với chủ trương của họ. Wikileaks chính là tiêu biểu cho các hoạt động như vậy. Việc này khiến ta có thể liên tưởng đến hoạt động của các nhóm cực đoan khác như cả ngàn nhóm Militia vẫn hiện diện tại các xã hội Âu Mỹ, như vụ đánh bom cao ốc Liên Bang tại Oklahoma dưới thời Ông Bill Clinton làm Tổng Thống là cụ thể

Khía cạnh Pháp Lý

Nhiều chính phủ cũng như các Cty trang mạng đã từ chối không cho Julian Assange mở trang mạng tại nước họ.Anh Quốc đang thương thảo với Julian Assange thông qua luật sư của Ông ta; có tin Wikileaks sẽ chuyển đến Thụy Sỹ. Tin này rất hay. Thụy Sỹ vốn là quốc gia trung lập-hội kín, nên cái gì mấy ông Thụy Sỹ cũng dám chơi hết mà chả sợ ai dòm ngó. Chính phủ Mỹ nghe nói đã ra lệnh cấm công chức truy cập trang mạng Wikileaks, quyết định đó có thực đúng với tinh thần Hiến Pháp Mỹ hay quyền hạn của Hành Pháp hay không? Nếu là quyết định của Tòa Án thì tiến trình lại rất nhiêu khê, có thể lên đến Tối Cao Pháp Viện chứ chơi sao. Nên quyết định của Mỹ được coi là vô nghĩa, nước Mỹ đâu có thể làm việc vô nghĩa như vậy được. Như vậy quyết định của chính phủ Mỹ thực tế chỉ là rất chiếu lệ . Các Cty trang mạng của Mỹ không muốn lâm chiến với Tầu nên cũng phải bất đắc dĩ phải cắt bỏ Wikileaks. Như vậy cuộc chiến pháp lý liên quan đến Wikileaks sẽ mở rộng trong tương lai tới đây chăng ? Điều này có nhiều khả năng sảy ra; càng kéo dài thì Wikileaks càng có nhiều người truy cập. Càng đẩy Julian Assange đến chân tường thì Wikileaks càng để rò rỉ thêm các tài liệu nhạy bén khác liên quan đến toàn hệ thống tình báo, hackers trên mạng.

Tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế đã ra lệnh truy nã Julian Assange, tin mới nhất nói rằng Assange đang tiếp xúc với cảnh sát Anh để bàn việc ra đầu thú với Cảnh Sát Anh. Việc này cũng chẳng thể sớm giải quyết, ngay cả khi Julian Assange sẵn sàng hợp tác với Cảnh Sát. Vấn đề pháp lý quan trọng ở đây chính là : Ông ta là người mang quốc tịch Úc, vi phạm luật tại Anh liên quan đến trang mạng toàn cầu mà chủ sở hữu tại Mỹ, nói về nhiều vấn đề liên quan đến nhiều nước khác. Vậy nước nào có đủ tư cách pháp lý để xét xử Julian Assange mà về tội gì mới được chứ. Cảnh sát Anh có thể dẫn độ Julian Assange cho Interpol, nhưng thật rõ ràng là chẳng nước nào đủ tư cách pháp lý để xét xử Julian Assange cả. Nếu luật sư của Julian Assange phủ nhận lệnh truy nã của Interpol thì sao? Tòa Án quốc Tế dựa trên căn bản pháp lý nào để xét xử Julian Assange?

Thủ tục pháp lý liên quan đến vụ này thực tế trở thành điển hình của hệ thống luật pháp toàn cầu cũng như quy tắc hành xử của thế giới trong tương lai; việc này cũng đặt ra hệ thống xét xử các vi phạm liên hệ đến luật pháp của nhiều quốc gia khác nhau trong khi thế giới lại chưa có một hệ thống luật pháp thống nhất để xét xử những lạm dụng trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Do thế vụ Wikileaks còn kéo dài trong nhiều năm sắp tới đây, ngày càng lan rộng sang nhiều lãnh vực tế nhị khác nhau như: các nhóm tội ác quốc tế mà tay lái buôn sung ống người Nga là điển hình, như các nhóm tội phạm ma túy quốc tế, như các nhóm chuyên rửa tiền quốc tế, hoặc các cấp lãnh đạo các nước theo chủ trương độc tài.

Việc Anh Quốc dẫn độ Julian Assange về lại Thụy Điển để xét xử về tội bị cáo buộc xâm phạm tình dục thực tế chỉ mới là ngọn chứ chưa phải là gốc của vấn đề. Thật rõ ràng là Julian Assange không hoạt động một mình, đằng său ông ta không thể không có những người khác am hiểu các vấn đề chính trị toàn cầu và đã dự liệu các ảnh hưởng do việc thẩm lậu các tin tức tế nhị trên trang mạng Wikileaks. Biết đâu các tin tức thẩm lậu ra liên quan đến các cơ sở sản xuất cũng như các nhà máy trên thế giới nếu bị phá hủy sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ đươc Wikileaks mới đưa ra lại có thể biến thành các hướng dẫn đối với mạng lưới khủng bố al Queda tập trung đánh vào các các cơ sở sản xuất sinh tử đối với Mỹ hoặc Âu Châu (như đường ống dẫn khí đốt băng ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga vốn là các vùng rất dễ bị thương tổn vì bất ổn chính trị cũng như an ninh yếu kém). Khi đó thế chiến III có thể nổ ra dễ dàng như đã được một tờ báo Mỹ nói tới. Nhưng qua vụ này các giới luật gia quốc tế sẽ có nhiều dịp để bàn luận, nghiên cứu các hệ lụy cũng như các tiến triển liên quan đến hệ thống luật pháp toàn cầu trong tương lai.

Riêng với Wikileaks việc điều tra, xét xử có thể trở thành vấn đề ngoại giao tế nhị. Cuối cùng sẽ dẫn đến việc xét xử đối với các nước chủ trương khai triển lực lượng hackers hùng hậu để chuyên ăn cắp kỹ thuật cũng như thực hiện chiến tranh trên mạng. Xét cho cùng ra, chính là xét xử Bắc Kinh liên quan đến mạng lưới gián điệp trên mạng do Bắc Kinh chủ trương. Vào lúc này thì Bắc Kinh chưa công khai phát biểu về việc đó; nhưng tình hình càng thay đổi, Bắc Kinh càng đau đầu . Rõ ràng là Bắc Kinh muốn vụ Wikileaks này sớm chấm dứt. Ôi chiến tranh sao mà vi diệu quá. Julian Assange khi tung các tin tức tế nhị như vậy trên diễn đàn, hẳn ông cùng các cố vấn của Ông đã nhìn thấy hướng đi trong đường dài là vậy và người chủ thật sự của Julian Assange biết rõ họ muốn gì, cùng ảnh hưởng đối với thế giới sẽ ra sao. Bài học chiến lược chiến tranh như thế này chưa bao giờ thấy sảy ra trên thế giới đương đại .

Xin cảm tạ quý vị đã đọc bài này

Lê Văn Xương

Dec 7-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét