Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Hội đền Hai Bà Trưng

Phạm Văn Bản

Mùng 3 Tết trên niên lịch ghi là ngày Hội Đền Hai Bà Trưng – Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống Bắc thuộc vào năm 39 dương lịch (dl) sau 150 năm nước ta bị nạn xâm lăng, từ năm 111 trước Tây lịch (trước công nguyên). Thông thường, lễ kính Hai Bà được tổ chức trọng thể vào ngày 6 tháng 2; tuy nhiên, lễ hội năm nay lại rơi vào ngày mùng 3 Tết Đinh Hợi. Chúng ta hôm nay kính nhớ công đức, sự nghiệp, và gương sáng của Hai Bà, cũng như của các vị Anh Hùng Nghĩa Sĩ đã dày công phá giặc dựng nước.

Theo sử sách thì Hai Bà là người vùng đất Mê Linh. Bên ngoại của Hai Bà thuộc dòng Vua Hùng, và bên nội dòng dõi Lạc Tướng. Bà Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách, cũng dòng Lạc Tướng quê ở miền Châu Diên. Theo sách Việt Điện U Linh, tác gỉa Lý Tế Xuyên viết vào năm 1329 dl, thì Hai Bà họ Lạc, rồi “tự lập làm Việt Vương, đóng đô ở Châu Diên, và đổi họ là Trưng,” (xem bản dịch, nxb Văn Hóa, Hà Nội 1960, tr 22).

Vì Thái thú Tô Định giết Thi Sách chồng Bà, nên Bà vùng lên đánh đuổi xâm lăng, rồi xưng vương – Trưng Nữ Vương, đóng đô tại đất Mê Linh năm 40 dl, tức năm 2919 Việt Lịch.

Theo sách Dư Địa Chí của Đức Nguyễn Trãi viết năm 1438 dl, thì Trưng Nữ Vương đặt tên nước là Hùng Lạc, (đọc Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản dịch Viện Sử Học, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1976, tr 215).

1. Danh xưng

Xưa nay Hai Bà thường được dùng để chỉ hai chị em. Nhưng việc gọi chung Hai Bà lại có hàm ý là cả hai chị em cùng nhau nổi lên chống giặc, và cùng hoàn thành công cuộc cứu nước.

Quả thực, hai chị em đứng lên giúp dân cứu nước, đã tạo ra những kỳ công đáng khâm phục. Tuy nhiên sử ghi rằng, chỉ có Bà chị nhận quyền lãnh đạo cho toàn cuộc khởi nghĩa rồi xưng vương.

Đang khi Bà em, Trưng Nhị, mặc dù cũng là bậc kỳ tài, tiếng tăm lẫy lừng, đóng góp công lao xuất chúng… nhưng Bà chỉ nhận tước là Bình Khôi Công Chúa. Cùng với Bà Trưng Nhị còn có nhiều vị Nữ Tướng khác cũng có tước Công Chúa, như An Bình Công Chúa, Thánh Thiên Công Chúa, Gia Hưng Công Chúa, Vĩnh Huy Công Chúa…

Vì vậy, tuy là hai chị em, nhưng khi Bà chị được Anh Hùng Nghĩa Sĩ tuyển chọn lên hàng lãnh đạo trong công cuộc tổ chức cứu nước, thì chỉ có Bà chị là chính thức đại diện cho toàn dân thời bấy giờ, là Trưng Nữ Vương.

2. Lý do quật khởi

a. Cho tới nay, hầu hết các sử sách chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh thù chồng của Đức Trưng Nữ Vương, mặc tình lãng quên hay mặc tình coi nhẹ tinh thần Vì Dân Vì Nước của Bà và toàn dân thời ấy. Giặc làm hạ giá “lý do chiến đấu” của phụ nữ Việt cũng bộc lộ nơi nhiều nữ tướng khác. Với lý do khởi nghĩa của Thánh Thiên Công Chúa thì giặc ghi là để trả thù cho cậu. Cuộc khởi nghĩa của Cao Thị Liên thì giặc ghi là rửa thù cho cha… và rất nhiều bà khác, cũng bị giặc xét đoán với lý do trả thù chồng, nhằm coi nhẹ lý tưởng phục vụ đồng bào của các bà.

Đang khi các sách của Trung Hoa như Hậu Hán Thư, Việt Kiều Thư, hay An Nam Chí Nguyên… mặc dù vốn thói xuyên tạc cố hữu, nhưng đã phải thừa nhận rằng “Vì Thái thú Giao Chỉ là Tô Định, lấy pháp luật mà ràng buộc, nên Trưng Trắc oán giận mà làm phản.” Ngay tại điểm này, chúng ta nhận ngay ra rằng, theo thói thống trị tham tàn của người Hoa, đã xâm lăng, đã tự ý đặt luật để hà hiếp bóc lột dân Việt… rồi lại gọi dân ta là làm phản, phản động, phản cách mạng.

b. Sự kiện người Nữ Kiệt đất Mê Linh kết duyên với vị Tướng tài vùng Châu Diên, và rồi Thi Sách bị Tô Định sát hại… cho chúng ta thấy sự liên kết và tinh thần sôi động của kháng chiến quân thời bấy giờ.

Giặc phương Bắc đã thống trị và đàn áp dân tộc Việt gần 150 năm. Do đó, cho dù là cùng dòng giõi Lạc Tướng với nhau, thì Trưng Nữ Vương cũng không thể vì thù chồng mà đột nhiên điều động được toàn dân vùng lên đánh đuổi lực lượng thiện chiến hùng hậu Tô Định.

Chắc chắn Trưng Nữ Vương đã bí mật kiện toàn tổ chức cứu nước. Nếu không, thì dưới sự kiềm chế khắp nơi của giặc, thêm vào phương tiện giao thông liên lạc của thời đại bấy giờ… thì làm sao mà Trưng Nữ Vương có thể huấn luyện, có thể điều động đầy đủ sức mạnh binh mã, để chỉ trong vài tháng mà đánh chiếm lại 65 thành từ tay giặc.

Sự kiện khởi nghĩa của các vị Anh Hùng Nghĩa Sĩ khắp nơi, Thần Báo thiết tưởng rằng, trước đó các Ngài đã thi hành kế hoạch phân tán lực lượng, rồi các Ngài tổ chức chu đáo đến nỗi có thể che mắt giặc, khiến giặc không biết, không ngờ.

Tiểu sử và hành tung của các vị Anh Hùng Nghĩa Sĩ cộng sự với Đức Trưng Nữ Vương bộc lộ cái tài tổ chức, bao gồm 4 yếu tố: chủ thuyết – cán bộ – tổ chức – thời sách, là điều kiện bất khả khuyết của một tổ chức cứu nước, cần có và phải có, nếu ta muốn thành công.

Ngoài ra, các Ngài đã chứng tỏ tinh thần kháng chiến giành độc lập và tự do của dân tộc, cũng như đức tính kiên cường vì dân vì nước của Trưng Nữ Vương mà Người được tổ chức đề cử làm lãnh tụ.

Trong Hậu Hán Thư cũng ghi nhiều chi tiết nhấn mạnh tính tham tàn bạo ngược của Tô Định, nhưng người Hoa cũng lấy đó làm cái cớ mà đánh lạc hướng lý do khởi nghĩa của dân tộc ta. Sách chép rằng, “Trưng Trắc là con gái Lạc tướng ở Mê Linh, vợ người huyện Châu Diên tên là Thi Sách, rất hùng dũng.”

Như vậy, sử sách giặc đã công nhận Trưng Nữ Vương “rất hùng dũng.” Tinh thần kiên cường bất khuất của Ngài còn bộc lộ trong việc xuất quân xông trận, Ngài luôn luôn mặc chiến bào chỉnh tề, cỡi voi chiến trông rất xinh đẹp và uy linh, chớ không mặc đồ tang trắng khóc chồng theo kiểu nhi nữ thường tình.

Đối với sử sách Trung Hoa, lý do tham tàn quá đáng là họ nhằm làm cái cớ trong việc thất bại cai trị dân ta. Họ trút tội trên đầu những kẻ thất bại, để chạy tội cho toàn bộ mưu đồ dã tâm xâm lược của người Hoa. Họ làm tỉnh bơ, tỏ vẻ như thể là các dân địa phương luôn luôn vui sướng với ách thống trị của họ, và họ xem dân ta chỉ chống đối với bọn quan chức tham nhũng mà thôi.

3. Nhân sự quật khởi

Cho dù họ cố tình che giấu, nhưng sử sách Trung Hoa cũng phải ghi nhận dân Việt có nhiều Anh Hùng Nghĩa Sĩ đã biết rành rẽ về phương thức tổ chức phục quốc chống giặc.

Căn cứ trên thần phả và di tích, hiện nay chúng ta có tên tuổi và tiểu sử của 162 vị danh tướng thời Đức Trưng Nữ Vương. Đã có nhiều vị tự mình tổ chức dân quân trước khi về hợp tác với lực lượng kháng chiến của Đức Trưng Nữ Vương.

Khi Trưng Nữ Vương khởi nghĩa, đã có Bà Lê Chân chẳng những đến từ Hải Dương, mà còn đem theo cả một đội chiến thuyền. Thánh Thiên Công Chúa, trước khi về với Trưng Nữ Vương, cũng đã có binh tướng riêng, và đã có lần đánh bại quân Tô Định.

Chúng ta cũng còn có Bà Lê Thị Hoa lập chiến khu tại vùng Nga Sơn ở Thanh Hóa. Bà Trần Vĩnh Huy khởi binh ở Cổ Châu, gần Hà Nội ngày nay.

Tiếp đến là Nam Thành Vương Trần Công Minh, Long Biên Công Đặng Dương Hoán, Liệt nữ Trần Thiếu Lan, và nhiều vị anh hùng hào kiệt đã từng làm cho giặc phương Bắc ăn ngủ không yên từ lâu trước khi Đức Trưng Nữ Vương ra quân.

Các làng xã thôn ấp và châu động cũng sẵn sàng chuẩn bị dưới nhiều hình thức, nhiều tổ chức phục quốc cũng ẩn danh trong những môn phái võ thuật…

Danh sách và tiểu sử của anh hùng hào kiệt được ghi nhận trong phần Di Tích Lịch Sử của bộ Anh Hùng Lĩnh Nam, tác giả Trần Đại Sỹ, bộ 4 cuốn, nxb Nam Á, Paris 1986.

4. Địa bàn hoạt động

Theo sách sử của Trung Hoa mà sau này các nhà chép sử Việt Nam chép lại, thì chỉ ghi phạm vi ảnh hưởng của Đức Trưng Nữ Vương trong khu vực quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Đây chỉ là vùng đất gồm từ Thừa Thiên ra hết Bắc Phần Việt Nam, và một phần tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc hiện nay.

Nhưng còn nhiều dấu tích chứng tỏ nghĩa quân của Đức Trưng Nữ Vương đã tung hoành khắp vùng Lĩnh Nam. Sau 150 năm Bắc thuộc, các đội nghĩa quân của Đức Trưng Nữ Vương đã đánh chiếm lại toàn thể vùng Lĩnh Nam khắp sáu quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Tượng Quận, Quế Lâm và Nam Hải.

Cuộc khởi nghĩa trên một địa bàn rộng lớn và thần tốc này chứng tỏ dân Lạc Việt đã có truyền thống đoàn kết, đã có ý thức độc lập tự chủ, đã có lực lượng và phương tiện chiến đấu hữu hiệu hùng mạnh, đã có đời sống cao về vật chất lẫn tinh thần.

Các chiến tích của nghĩa quân Việt tại Hoa Nam chẳng những được các thần phả ghi chép, mà sách ngoại sử của Trung Hoa cũng nhắc đến, mà hôm nay, gần qua 2000 năm mà vẫn còn nhiều di tích chiến trận, nhiều đền thờ Đức Trưng Nữ Vương cùng các danh tướng đương thời, tại Hồ Động Đình cũng như tại nhiều nơi trong các tỉnh Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, và đảo Hải Nam.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết năm 1479 dl, thì ở Phiên Ngung, thủ đô của Triệu Đà cũng có đền thờ Đức Trưng Nữ Vương. Và gần đây, thời triều Tây Sơn năm 1793 dl, khi đặc sứ Ngô Thời Nhiệm cùng phái đoàn đi ngang phía nam Hồ Động Đình, đã đến viếng thăm đền thờ Đức Trưng Nữ Vương. Ông cũng ghi: quân Đức Trưng Nữ Vương đã đánh với quân Mã Viện ở Hồ Nam.

5. Một số chiến tích

Tại Khúc Giang (Quảng Đông) hiện nay còn đền thờ Nữ tướng của Đức Trưng Nữ Vương, là Đàm Ngọc Nga, tước Nguyệt Điện Công Chúa. Tại đây còn nhiều di tích trong trận chiến long trời lở đất của Bà với quân Mã Viện.

Cũng tại Khúc Giang, còn có đền thờ Nữ tướng Trần Thị Phương Châu, tước Nam Hải Công Chúa. Bà tuẫn quốc tại đây vào đầu cuộc khởi nghĩa năm 39 dl. Sử Việt có ghi vào năm 1288 dl, Vua Trần Nhân Tôn đã sai Đại thần Đoàn Nhữ Hải qua Khúc Giang trùng tu đền thờ Ngài.

Tại Quảng Đông và Quảng Tây có nhiều đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thánh Thiên, tước Nam Hải Công Chúa. Và hy sinh tại vùng này vào năm 42 dl.

Tại dọc bờ biển Quảng Đông, Phúc Kiến, và đảo Hải Nam có nhiều đền thờ Nữ tướng Trần Quốc, tước Gia Hưng Công Chúa. Dân trong vùng này đã tôn Bà là Giao Long Tiên Nữ giáng trần vì Bà rất hiển linh.

Tại vùng Hồ Động Đình và thủ phủ Trường Sa của tỉnh Hồ Nam, cho đến ngày nay người dân địa phương vẫn còn nhắc nhở trận đánh lẫy lừng của Nữ tướng Phật Nguyệt và đền thờ Ngài.

Tại cửa Thẩm Giang chảy vào Hồ Động Đình, còn miếu thờ Nữ tướng Trần Thiếu Lan, và cả ngàn năm qua, cứ mỗi lần sứ thần nước ta đi ngang qua là đều vào tế lễ Ngài. Hiện nay cũng còn có ngôi mộ tên Ngài.

Chúng ta cũng còn có nhiều di tích của các trận đánh lớn, như trận chiếm giữ thủ phủ Trường Sa của Hồ Nam; trận đánh kinh hồn của Nữ tướng Phật Nguyệt đã chiến thắng Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí ở Hồ Động Đình; trận thủy chiến lẫy lừng của Nữ tướng Trần Quốc ở Uất Lâm; trận đánh thần kỳ của Vĩnh Hoa Công Chúa, dẹp tan Đại tướng giặc Ngô Hán ở Độ Khẩu, Vân Nam, Khúc Giang, Hải Nam…

Tất cả đều chứng tỏ binh lực của Đức Trưng Nữ Vương đã tung hoành khắp vùng Lĩnh Nam, và đã có lúc Đức Trưng Nữ Vương xưng danh Hoàng Đế toàn thể Lĩnh Nam.

Kết luận

Suốt dòng lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, Thần Báo thiết tưởng đã có bao ngàn cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, đã có bao trăm ngàn Anh Hùng Nghĩa Sĩ bị giặc tàn sát và giấu nhẹm.

Mặc dù không được ghi trong sử sách, nhưng dòng máu kiêu hùng của Tổ Tiên vẫn đang chảy trong mỗi người chúng ta. Là con cháu của các vị Anh Hùng Nghĩa Sĩ, chúng ta có bổn phận làm sáng tỏ công đức ngàn đời của Tổ Tiên.

Vì vậy, Đức Trưng Nữ Vương chẳng những đại diện cho thời của Ngài, mà còn biểu trưng cho toàn thể Anh Hùng Nghĩa Sĩ Việt Nam vùng lên chống giặc cứu nước. Đó cũng là bổn phận, là trách nhiệm của Thanh Niên Việt Nam thời đại trong việc kiện toàn tổ chức là chủ thuyết, cán bộ, tổ chức và thời sách.

Mừng Xuân Đinh Hợi với 60 tuổi đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét