Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Trung quốc mất dần sức hấp dẫn về đầu tư

Nguyễn Minh (Tokyo)

“… giới đầu tư quốc tế đang có khuynh hướng rút khỏi địa bàn Trung Quốc để đầu tư sang các nước khác …”
 
Trong hai thập niên qua, giới đầu tư Đông Á (Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore) đã xem Trung Quốc như một địa điểm đầu tư lý tưởng. Từ 1992, họ đã xung phong đầu tư vào vùng châu thổ sông Chu Giang, sau đó là vùng châu thổ quanh Thượng Hải, rồi đến khu vực quanh thủ đô Bắc Kinh, từ Thiên Tân đến Đại Liên. Những nhà đầu tư phương Tây cũng không bỏ lỡ cơ hội, tất cả đều chọn Trung Quốc làm trọng điểm gia công và sản xuất hàng hóa cho các thị trường của họ.

Nhờ có một lực lượng nhân công vừa đông vừa rẻ, Trung Quốc đã biến thành công trường sản xuất hàng hóa rẻ tiền lớn nhất thế giới. Điều không nhà đầu tư nào ngờ là người Trung Quốc có khả năng học nghề rất nhanh nên đã học luôn cách tổ chức và quản lý sản xuất. Nhưng thay vì cạnh tranh hợp pháp, phần lớn các xí nghiệp Trung Quốc chọn đường lối bất chính : sao chép (copy) lại những hàng hóa nhận gia công để sản xuất trên qui mô lớn và chào bán ồ ạt trên các thị trường quốc tế với giá nhiều lần rẻ hơn. Lượng hàng rẻ tiền này đè bẹp hẳn khả năng sản xuất và chiếm lĩnh luôn thị trường các quốc gia nghèo khó (châu Phi, châu Mỹ la-tinh và châu Á).



Từ chỗ học lóm, các công ty và xí nghiệp lớn của Trung Quốc đã đủ tự tin để yêu cầu chuyển giao công nghệ hay mua bằng sáng chế và tự đầu tư sản xuất các mặt hàng cao cấp và phức tạp khác như cơ khí và công nghiệp nặng (đóng tàu, xe hơi, lọc dầu), điện tử và tin học (điện tử gia dụng, máy tính, điện thoại cầm tay, các máy thính thị số). Giới lãnh đạo Bắc Kinh đang nhắm ngôi vị cường quốc số hai, sau Mỹ và trước Liên Hiệp Châu Âu và Nga trong vài thập niên tới. Thấy gì sau viễn ảnh lạc quan này ?

5 năm sau khi gia nhập WTO

Tháng 12-2001, Trung Quốc được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) tuyên bố chính thức là hội viên. Trong suốt 5 năm qua, Trung Quốc đã thỏa mãn gần hết những yêu cầu của WTO như chỉnh đốn lại luật lệ để thực hiện chính sách mở cửa trọn vẹn ra nước ngoài, nới lỏng sự kiểm soát trong các ngành giao thông, vận tải, thương mại và tiền tệ. Đặc biệt là về thuế quan : thuế đối với hàng nước ngoài đã giảm từ 13,6% năm 2001 xuống còn 9,9% năm 2006. Nhờ những ưu đãi về thuế khóa đối với đầu tư nước ngoài và các hoạt động tích cực mời gọi khác đã đem đến hiệu quả tốt khiến nhiều xí nghiệp của Nhật, Âu, Mỹ lần lượt đổ xô vào Trung Quốc. Ngạch trao đổi với nước ngoài từ khoảng 500 tỷ USD năm 2000 đã tăng vọt lên 1.700 tỷ USD vào năm 2006. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 5 năm qua đã tăng gấp đôi, đứng thứ 4 trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế từ 9 đến 10%.

Nhưng đối với giới đầu tư nước ngoài, sự lạc quan không ở ngang tầm mức đó. Họ phàn nàn rằng các xí nghiệp nước ngoài không được tự do kinh doanh trên lãnh thổ như Trung Quốc đã cam kết khi gia nhập WTO, họ vẫn tiếp tục bị làm khó dễ bởi các thủ tục hành chánh rườm rà như quyền cấp giấy phép, cách vận dụng luật pháp còn rất tùy tiện và tùy thuộc từng chính quyền địa phương.

Các chính phủ và giới đầu tư phương Tây đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn đối với chính quyền Bắc Kinh về sự không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Trước sự lan tràn các các mặt hàng giả về nhu liệu tin học, phim hình và âm nhạc, mặc dù Bắc Kinh đã ban hành rất nhiều luật bảo vệ những nhà sản xuất băng đĩa CD và DVD nước ngoài, các chính quyền địa phương đã không những không tuân hành mà còn bao che những người vi phạm. Nếu chính quyền Trung Quốc không có một hành động cụ thể nào để thay đổi tình trạng mua bán hàng lậu và hàng giả này, trong những ngày sắp tới giới sản xuất băng đĩa phương Tây sẽ kiện chính quyền Trung Quốc trước ủy ban trọng tài WTO.

Về việc mở cửa toàn bộ các sinh hoạt kinh tế cho cạnh tranh, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa chấp nhận cho các công ty và xí nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành điện lực, thông tin, hàng không, xuất bản. Thêm vào đó họ còn lập thêm phòng trắc nghiêïm để bảo vệ ngầm những ngành kỹ nghệ trong nước, chẳng hạn như trong tháng 9-2006 cho phép bộ thương nghiệp đình chỉ việc các công ty hay xí nghiệp nước ngoài mua lại các xí nghiệp Trung Quốc và không giải thích rõ mua đến mức độ nào thì bị đình chỉ.

Hiện nay Trung Quốc đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành kỹ thuật cao cấp, môi trường, dịch vụ, nhưng đầu tư nước ngoài đang khựng lại. Người ta sợ khả năng học lóm và cạnh tranh bất chính của người Trung Quốc, nhất là đang chờ xem đồng nhân dân tệ (CNY) biến chuyển như thế nào trong năm 2007 để có quyết định thích hợp.

Thời kỳ sau Trung Quốc

Trước những bất rắc vừa nêu trên, giới đầu tư quốc tế đang có khuynh hướng rút khỏi địa bàn Trung Quốc để đầu tư sang các nước khác. Giới đầu tư Đông Á đang hướng về Việt Nam, giới đầu tư châu Âu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này đang thấy rõ dần từ những tháng cuối năm 2006, các nhà sản xuất của Nhật, Đài Loan, Singapore bắt đầu tìm cách rút chân từ từ khỏi Trung Quốc để dời cơ sở hay đầu tư vào Việt Nam và Miến Điện.

Cụ thể là vào tháng 11-2006, công ty Nhân Bảo của Đài Loan, gồm hai công ty EMS chuyên lắp ráp hàng điện tử lớn thứ 2 của Đài Loan và công ty Compal Electronic chuyên sản xuất máy tính điện tử cầm tay lớn thứ 2 thế giới đã khởi công xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Cũng nên biết công ty Nhân Bảo đã xây dựng một nhà máy lớn ở Côn Sơn tỉnh Giang Tô có thể lắp ráp 20 triệu máy vi tính cầm tay cá nhân mỗi năm. Đầu năm nay hãng Microsoft phát hành Windows Vista làm nhu cầu máy tính cá nhân trên thế giới gia tăng, thay vì tiếp tục phát triển cơ sở có sẵn tại Trung Quốc, công ty Nhân Bảo đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới nhất cho version Windows này.

Tại sao bỏ rơi những công trường sản xuất tại Trung Quốc ? Tại vì những ưu đãi lúc ban đầu dành cho giới đầu tư nước ngoài đang chấm dứt. Thêm vào đó thị trường lao động tại Trung Quốc không còn rẻ như trước : lương nhân công ngày càng cao và các phụ phí lao động ngày càng gia tăng. Đó là chưa nói đến các chi phí cố định không ngừng tăng lên : giá thưe sử dụng đất và mặt bằng, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm... Phải nói thêm là, do hối suất đồng CNY vừa được điều chỉnh, giá thành của mọi sản phẩm đều tăng lên khiến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc mất dần sức cạnh tranh.

Vì những lý do đó, các xí nghiệp thuộc hệ lắp ráp điện tử các các quốc gia tiên tiến Đông Á, đặc biệt là Đài Loan, quanh vùng Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông đang lôi kéo những xí nghiệp phương Tây khác rời khỏi Trung Quốc để tìm mặt bằng sản xuất hàng hóa tại những quốc gia khác.

Theo giới đầu tư Đài Loan, quốc gia có khả năng thay thế và hấp dẫn nhất hiện nay là Việt Nam. Lý do là Việt Nam tuy có ngôn ngữ khác biệt nhưng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên dễ giao dịch hơn tại các quốc gia không cùng văn hóa như Thổ Nhĩ Kỳ hay Bắc Phi. Thêm vào đó, Việt Nam vừa chính thức gia nhập WTO và đang áp dụng một chính sách đổi mới có phần thoáng hơn Trung Quốc. Hơn nữa chi phí lao động của Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2, và không nên quên rằng dân số Việt Nam hiện nay trên 83 triệu người, do đó không sợ thiếu nhân công. Đó là chưa kể người Việt Nam làm việc chăm chỉ và ít bỏ việc hơn người Trung Quốc.

Trọng lượng đầu tư vào Việt Nam của các xí nghiệp nước ngoài cho đến cuối tháng 11-2006 đã đạt 9,78 tỷ USD, cao hơn những năm trước. Nếu so sánh mức đầu tư vào Trung Quốc trong năm qua với gần 60 tỷ USD thì khối lượng đầu tư của quốc tế vào Việt Nam đã gần bằng 1/6 của Trung Quốc ; nếu lấy khối lượng này so với tỷ trọng dân số thì tỷ lệ đầu tư quốc tế vào Việt Nam cao hơn nhiều.

Đối với Nhật Bản, hiện nay đã có hơn 260 công ty, xí nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư lớn của Nhật. Trong hội nghị thượng đỉnh APEC 13 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe của Nhật hứa sẽ viện trợ đặc biệt thêm cho Việt Nam 700 triệu USD, nâng tổng số viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam từ năm 2001 đến nay lên đến 6,9 tỷ USD. Số tiền 700 triệu này được dùng để tài trợ cho hai kế hoạch xây dựng hạ tầng quan trọng là : nhà máy phát điện nguyên tử do hai công ty Toshiba và Westinghouse thực hiện ; trùng tu và mở rộng hai quốc lộ số 1 (Liên Việt) và số 9 (qua Nam Lào) do các công ty Nihokoei (xây đập Đa Nhim), Hazama (xây bêïnh viện Chợ Rẫy) và RMK (xây các quốc lộ lớn ở miền Nam trước 1975). Cả hai kế hoạch sẽ bắt tay thực hiện trong năm nay.

Về viện trợ ODA của Nhật, Việt Nam đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng trong thực tế, đặc biệt là trong tài khóa 2006-2007, Việt Nam đứng đầu ba nước Đông Á (Singapore, Đài Loan và Việt Nam) hưởng viện trợ ODA của Nhật. Cũng nhờ viện trợ này, Đài Loan vừa hoàn thành đường xe điện cao tốc Đài Bắc-Cao Hùng theo dạng Shinkansen và Singapore vừa hoàn tất xây dựng phi cảng Chang Gi lớn nhất Đông Nam Á.

Sau các nước BRIC (Brazil, Russia, India, China), các nhà đầu tư quốc tế đa xem ba nước TVT (Taiwan, Vietnam, Turkey) là nơi đầu tư lý tưởng. Hàng hóa sản xuất tại ba quốc gia này đủ khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ, thêm vào đó do vị trí địa lý thuận lợi hàng hóa sản xuất tại các quốc gia này có thể vận chuyển dễ dàng vào Trung Đông, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Đe dọa thế giới để che giấu một tương lai bấp bênh

Trong cố gắng duy trì nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu của mình, Bắc Kinh đã tận tình giúp đỡ các quốc gia nghèo khó nhưng có nhiều tài nguyên tại châu Phi và châu Mỹ la-tinh để đổi lại những gì mình thiếu. Hiện nay Trung Quốc là quốc gia cung cấp vũ khí chính tại châu Phi, đặc biệt là những quốc gia đang có xung đột như Sudan và Somalia.

Ngày 11-1-2007, Bắc Kinh đã bắn thử nghiệm một vệ tinh khí tượng của họ đang bay trên không gian bằng một hỏa tiễn từ mặt đất. Trung Quốc là một trong ba quốc gia (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc) trên thế giới đã thử nghiêïm bắn phá một vệ tinh đang bay trên quỹ đạo địa cầu. Tuy nhiên đối với dư luận quốc tế, sự phô trương khả năng quân sự này là một mối nguy vì người ta lo rằng cuộc chạy đua võ trang đang tiến ra không gian, một khu vực nghiên cứu khoa học và hòa bình. Trong những năm qua hải quân Trung Quốc đã tung hoành khắp vùng Đông Nam Á và tuyên bố chủ quyền trên những khu vực có nhiều tiềm năng khoáng sản, bất chấp những phản đối của các quốc gia địa phương. Với lý do bảo vệ đường tiếp tế nguyên nhiên liệu của mình, tham vọng bành trướng ra biển của Bắc Kinh không che giấu được ai. Nhu cầu nhập nguyên nhiên vật liệu của Nhật Bản và Nam Hàn cao hơn Trung Quốc rất nhiều lần nhưng hải quân của hai nước này không đe dọa quốc gia nào trong vùng.

Khi cho bắn thử nghiệm một vệ tinh đang bay trên quỹ đạo trái đất, Trung Quốc có nhiều chủ ý. Thứ nhất là để phô trương với các quốc gia kém phát triển, nhưng có nhiều nguyên, rằng Trung Quốc là một chỗ dựa mà họ có thể trông cậy để vươn lên. Thứ hai là muốn được dư luận trong nước tự hào về khả năng quốc phòng của nước mình và quên đi những bất mãn trước bất công ngày càng trầm trọng đe dọa sự thống nhất của Trung Quốc. Thứ ba là muốn có một tiếng nói mạnh hơn trên các diễn đàn quốc tế, nhất là được ngang hàng với Hoa Kỳ trong các hội nghị quốc tế để phân chia lại quyền lực và quyền lợi trên thế giới. Thứ tư là muốn cảnh cáo những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự trong vùng không nên khinh thường. Bắc Kinh tin rằng với thử nghiệm mới này, các quốc gia phát triển sẽ quan tâm và giúp đỡ Trung Quốc nhiều hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét