Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Hai mặt của một cuộc chiến

Ngày 5-11-09 một thiếu tá bác sỹ chuyên về tâm thần thuộc Lục Quân Mỹ đóng tại Fort Hood , Texas xả súng bắn đồng đội làm 13 chết , 30 bị thương ; gây chấn động khắp nước Mỹ và thế giới liên quan đến vai trò của các quân nhân gốc Hồi Giáo bên trong quân đội Mỹ ở mọi cấp mọi quân binh chủng ; đây là vấn đề quan trọng liên hệ mật thiết đến an ninh của nước Mỹ nói chung về đủ mọi lãnh vực quân sự , tình báo cũng như dân sự . Mở rộng ra nữa ta sẽ thấy các mối quan tâm  không phải chỉ với người gốc Hồi Giáo không thôi , mà còn liên hệ đến các nhóm thiểu số khác hiện sinh sống làm việc tại Mỹ , dù trong lãnh vực công quyền hay trong lãnh vực tư . Trong xã hội mà quyền tự do cá nhân đang từng bước đi đến chỗ được giải thích quá rộng rãi , quá phóng túng  như hiện nay , chả ai biết vấn đề an ninh trong lòng xã hội Mỹ rồi ra sẽ ra sao , chả ai biết các giá trị gia đình trong lòng xã hội Mỹ rồi ra sẽ như thế nào .

Ngày 6-11 một công nhân bị cho nghỉ việc cách nay hai năm tại Orlando , Florida , không tìm được việc làm , quay trở lại công ty cũ đem súng bắn xả làm chết một người , bị thương 5 người khác . Trường hợp như vậy rất hiếm sảy ra , nhưng thực tế đã sảy ra đủ để nói lên mặt trái của tình hình kinh tế Mỹ hiện nay.

Nhìn bề ngoài thì hai sự kiện không liên hệ trực tiếp với nhau , nhưng gián tiếp thì rõ ràng nói lên hai mặt của vấn đề rất nghiêm trọng mà các cấp chính quyền Mỹ phải giải quyết : vấn đề thứ nhất liên quan đến đường lối đối ngoại cũng như cuộc chiến tại Irak và Afghanistan , sự kiện sau liên hệ đến tình trạng thất nghiệp tại Mỹ nay đã lên đến con số 10% và sẽ tiếp tục lên cao nữa trong thời gian tới đây . Giải quyết thế nào quả là câu hỏi khó , dựa vào những gì đã được để lộ ra thông qua các cuộc điều trần , hoặc thuyết trình tại một số viện nghiên cứu mà ta biết được thêm một số chi tiết . Bài nói truyện hôm nay xin được tóm gọn trong hai chủ đề nêu trên .

GÁNH NẶNG CỦA HAI MẶT TRẬN .

Quân Mỹ hiện đang tham chiến tại hai mặt trận Irak và Afghanistan , với tổng quân số hiện diện tại cả hai mặt trận được ước tính khoảng 200,000 . Mặc dù số thiệt hại tại cả hai mặt trận trong thời gian 8 năm tham chiến tại Afghanistan cũng như 5 năm tại Irak không quá cao như cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) hay Việt Nam năm (1965-1973 ) , mỗi nơi trong hai cuộc chiến ấy làm cho quân Mỹ thiệt hại gần 60,000 tử trận . Cuộc chiến Triều Tiên sảy ra khi dư âm của Thế Chiến II vẫn còn tương đối nóng hổi , nên quân nhân Mỹ tham chiến với hào khí của chiến thắng Hitler tại Âu Châu cũng như Nhật tại Á Châu còn sót lại . Vả lại cuộc chiến này cũng chỉ sảy ra trong ba năm , trong điều kiện các đe dọa của chủ nghĩa CS Liên Xô cũng như Tầu là rất thực , cho nên xã hội Mỹ không phải đối diện với những quan điểm lập trường đối nghịch trong quần chúng .

Đến năm 1965 , 20 năm sau thế chiến II kết thúc , lớp trẻ sinh sau thế chiến vốn được gọi là thế hệ Baby Boomer nay sống trong điều kiện kinh tế , kỹ thuật cũng như trật tự xã hội khác , nên họ có những suy nghĩ khác về vai trò của Mỹ đối với các vấn đề của thế giới . Họ muốn hòa bình một cách “ thơ ngây ” , nhưng thế hệ này nay chiếm đa số trong các xã hội Mỹ cũng như Âu Châu trong điều kiện hưởng thụ tối đa theo lối chủ nghĩa cá nhân hiện sinh , phó mặc các bất ổn ngày càng trở nên lớn lao trên quy mô toàn cầu . Ban Lãnh Đạo Mỹ tiến hành chiến tranh VN , trong điều kiện rất khó khăn về mặt tâm lý quần chúng Mỹ cũng như Âu Châu . Nếu nói rằng thế hệ Baby Boomer  theo chủ trương Monroe , sự thực không phải như vậy ; hay họ theo chủ nghĩa quốc tế , sự thực cũng không phải . Như thế họ chủ trương thế nào ? đơn giản chỉ là hãy hưởng thụ cho ngày hôm nay , ngày mai ra sao tính sau . Theo cách nhìn đó dường như có vẻ như họ theo chủ nghĩa vô chính phủ . Cho nên các nhà hoạch định cuộc chiến VN thực tế phải đối diện với hai chiến tuyến bên trong và bên ngoài nước Mỹ .

Suy nghĩ thêm nữa ta sẽ thấy , cuộc chiến VN cũng là cuộc chiến chọn lựa và cần thiết , được thiết kế dưới thời Tổng Thống Eisenhower , được thi hành dưới thời Tổng Thống Kennedy và Johnson , kết thúc dưới thời R. Nixon . Các kế sách sau đó dẫn Liên Xô đến chỗ phân rã dưới thời R. Reagan . Ông Bush lớn chỉ có nhiệm vụ giữ yên tình hình thế giới để CS Liên Xô không thể gượng dậy để trở thành đe dọa mới . Bill Clinton chỉ có nhiệm vụ khai thác các thành quả kinh tế sau chiến tranh lạnh , chuẩn bị cho một cuộc chiến chọn lựa và cần thiết khác để Ông Bush trẻ tiến hành chiến tranh toàn diện tại Á Châu .

Nhìn trên bình diện toàn cầu thì hai mặt trận Irak và Afghanistan hiện nay cũng nằm trong một cuộc chiến chọn lựa và cần thiết như lời Ông Richard Hass , Chủ Tịch CFR đã đặt thành chủ đề trong cuốn sách của ông mới đây và hiện được nhiều người đọc . Vấn đề được đặt ra là : “ đâu là mục tiêu tối hậu của cuộc chiến này ? phải chăng mục tiêu chỉ giới hạn nhắm vào Taliban , al Queda và Sadam Husein , hay còn mục tiêu sâu rộng thầm kín khác mà Hoa Kỳ không công khai nói tới ? “ .

So sánh với cuộc chiến VN trước đây cũng là điều thú vị , vì người Mỹ coi cuộc chiến VN là cuộc chiến gián chỉ , nhằm mục tiêu tối hậu là gây áp lực tối đa với Tầu Cộng trên bàn hội nghị bí mật kéo dài suốt 18 năm liền tại nhiều địa điểm khác nhau nhưng chủ yếu là tại Varsava Ba Lan . Như vậy cuộc chiến với Hà Nội hay với công cụ do Hà Nội lập ra là Mặt trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là phụ , cường độ chiến cuộc tăng giảm tùy thuộc vào các kết quả của các cuộc thương thuyết bí mật giữa Mỹ với Tầu Cộng .

Sau năm 1968 còn có thêm cuộc thương thuyết công khai giữa Mỹ , Hà Nội , VNCH cũng như Mặt Trận Giải Phóng tại Paris . Hòa đàm Paris khởi sự đánh dấu bước tiến bộ thực sự trong cuộc thương thuyết giữa Mỹ với Bắc Kinh . Cho nên , ta cần đánh giá là ngay trong năm 1967 thì thế cờ trong cuộc chiến VN đã thực sự bước sang khúc rẽ khác rồi . Chiến sự vẫn còn trôi nổi với nhiều đợt thí quân của cả hai phía là Mỹ và Hà Nội - sảy ra trong biến cố Tết Mậu Thân , đánh qua Cambodge , Nam Lào  hay Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 - thực tế chỉ là giải quyết các thế lực cản trở đối với thỏa hiệp  Paris về VN , cũng như chờ cho Liên Xô đi vào thiên la địa võng mà Hoa Kỳ đang chuẩn bị tung ra để đẩy Liên Xô vào thế sa lầy toàn diện để phải chấp nhận thua cuộc .

Như thế nếu không đặt ra một kế sách rộng lớn nhằm giải quyết dứt điểm các bất ổn của thế giới một cách toàn diện , Hoa Kỳ và Phương Tây nói chung không đi vào Irak hay Afghanistan , vốn là vùng địa hình địa vật cũng như văn hóa chủng tộc rất phức tạp . Rút kinh nghiệm trong cuộc chiến VN trước đây , Hoa Kỳ tự biết rằng , xử dụng lính Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống du kích theo kiểu thánh chiến ôm bom tự sát kiểu Trung Đông Hồi Giáo , là một chiến dịch quân sự đầy nguy hiểm . Nhưng xin ghi nhớ là vụ đánh bom tự sát nhắm vào quân Mỹ tại Liban năm 1983 tại Beirut làm 200 thủy quân lục chiến Mỹ chết , vụ này do Iran dàn dựng , đủ cho thấy Phương Tây cũng như Hoa Kỳ không thể đứng ngoài cuộc được . Quân Mỹ được huấn luyện sẵn sàng để đối đầu với kiểu chiến tranh khủng bố diễn biến dù dưới bất cứ hình thức nào , bằng việc xử dụng tối đa kỹ thuật chiến tranh hiện đại nhất để giảm thiểu thương vong . Thực tế , NATO đã chứng tỏ sự thành công trong kỹ thuật chiến tranh chống khủng bố quốc tế về mặt quân sự . Số thiệt hại ở mức thấp , có thể kiểm soát được , đối với cả dân thường cũng như người lính .

Chiến tranh du kích kiểu dù diễn biến theo bất cứ kiểu nào tự nó không giải quyết được vấn đề , giải pháp nằm trên bàn thương thuyết về quyền lợi của các phía liên quan , hoặc nằm trong các biện pháp chống du kích chiến có kết hợp quân sự với chính trị văn hóa xã hội cũng như kinh tế . Việc này , chỉ thành công duy nhất trong trường hợp của Mã Lai Á khi Quận Công Mounbatten của Anh áp dụng mọi biện pháp nhằm chống lại quân du kích Mã Cộng do Bắc Kinh đứng dật dây phía sau , bằng cách tách rời dân chúng ra khỏi các vùng do Mã Cộng kiểm soát , để quân đội vừa bảo vệ dân chúng đồng thời huy động sức mạnh phong tỏa mọi đường tiếp tế của Mã Cộng , tiêu diệt sinh lực địch kết hợp với chiêu hồi .

Vào thời kỳ năm 1960 Ông Ngô Đình Nhu là Kiến Trúc Sư chính của Đệ Nhất Cộng Hòa VN đã cố áp dụng kế sách này - được gọi là Quốc Sách Ấp Chiến Lược -  nhưng không đem lại thành công vì vùng biên địa quá dài không đủ lực lượng cũng như phương tiện tài chánh để kiểm soát ; nhưng chủ yếu vì cuộc chiến VN là cuộc chiến gián chỉ rộng lớn mà Hoa Kỳ đang từng bước chuẩn bị để tiến hành chiến tranh theo cách của mình , nhắm tới mục tiêu sâu rộng hơn hẳn so với những gì mà Ông Ngô Đình Nhu suy nghĩ .

Tình hình tại Afghanistan cũng như Irak hiện nay khác với cuộc chiến VN trước đây . Đằng sau thánh chiến hay khủng bố quốc tế còn cả một vấn nạn to tướng liên quan đến chủ nghĩa bành trướng Hồi Giáo cũng như Hán Tộc , hai thế lực này quyết không chấp nhận bất cứ hình thức dàn xếp nào dựa trên chủ trương hợp nhất nhân loại trong tinh thần dân chủ , tự do . Vốn được coi là giải pháp duy nhất tối hậu , có thể giải quyết mọi mâu thuẫn thế giới cũng như đem lại ổn định và sung mãn cho toàn cầu , đẩy lùi đói kém , giải giới mọi phương tiện chiến tranh có khả năng hủy diệt văn minh này .

Như thế , mục tiêu lớn thực sự của cuộc chiến này - như điều mà Ông Richard Hass nói là cuộc chiến cần thiết và chọn lựa - sâu rộng hơn hẳn so với những gì đang diễn biến tại Afghanistan hay Irak dù trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị với nhiều phía khác nhau , với quyền lợi và đòi hỏi của mỗi phía liên quan cũng luôn mâu thuẫn nhau . Vai trò của quân Mỹ trong vùng cũng luôn được xử dụng như phương tiện gây áp lực tối hậu đối với các phía có quyền lợi đối nghịch . Vai trò của các nhà ngoại giao Mỹ lại là dàn xếp quyền lợi của các phía đối nghịch ấy . Như thế việc tăng quân Mỹ tại Afghanistan - như yêu cầu của Tướng Tư Lệnh Mc Chrystal - tùy thuộc rất nhiều vào kết quả của các cuộc thương thuyết mật ấy . Qua bài học này ta thấy , tài thương thuyết trên bàn hội nghị nhiều khi có thể tiết kiệm được xương máu của nhiều người cũng như tiền bạc của quốc gia . Trong chương trình của John King trên CNN hôm chủ nhật có phỏng vấn ông Mikhai Goorbachev về vấn đề Afghanistan , ông đã nói “ cũng không nhất thiết cần tăng quân Mỹ ở Afghanistan ” , điều đó cho thấy có các tiến bộ trong thương thuyết với nhiều phía trên căn bản với từng thế lực riêng rẽ khác nhau về cục diện trong vùng . (sau này tôi sẽ giải thích cụ thể thêm khi cuộc diện diễn biến thích nghi ) .

Cũng chẳng vô tình khi NATO cùng các quốc gia phương Tây không tiến hành các biện pháp giải quyết về căn bản vấn đề Irak cũng như Afghanistan như suy nghĩ của nhiều người nhằm củng cố xây dựng lại cả hai nước ấy . Đó là lối suy nghĩ dựa trên cảm tính , tương lai của họ phải do chính họ quyết định lấy chứ NATO đâu có thể làm thay cho họ được . Vả lại thế giới này đâu phải chỉ có Irak với Afghanistan không thôi , chủ trương như vậy thực ra chẳng giải quyết được gì cả , mà lại còn tạo cơ hội để các thế lực bành trướng khác phá hủy ngay khi có cơ hội . Cho nên ta cần đánh giá là cuộc chiến tại hai nơi ấy kéo dài là để chờ cho tình hình các nơi khác chín mùi , tạm thời ngăn chặn đà bành trướng của nhóm al Queda trong chủ trương Taliban hóa toàn vùng , chuẩn bị các gà đá mới trước khi thả vào trường đá gà . Nay là lúc cần thương thuyết để NATO lui binh để hình thành trường đá gà trong vùng toàn lục địa Á Châu .

THAM VỌNG vs THAM VỌNG .

So sánh tình hình Nam Á hiện nay với cuộc chiến VN trước đây thì thời kỳ này có thể coi tương ứng với thời kỳ 1972 trong các cuộc thương thuyết cũng nhằm chuẩn bị để quân Mỹ rút khỏi VN trước đây . Trong tám năm qua , con gà Iran được củng cố thông qua bàn tay ngấm ngầm của Nga cũng như Bắc Kinh , con gà Pakistan được củng cố khi Ông Musharaf rời khỏi chức vụ Tổng Thống Pakistan để hình thành chính phủ liên hiệp Pakistan chia quyền cho ba đảng chính trị chủ yếu , con gà Bắc Kinh tiếp tục dương oai diệu võ ngày càng trở nên bất trị , con gà Ấn Độ tiếp tục thể hiện sức mạnh .

Bắc Kinh vốn mong muốn tình trạng hiện nay tiếp tục kéo dài trên cả hai mặt trận Irak , Afghanistan  cũng như kinh tế thế giới . Chừng nào quân Mỹ còn bị kẹt tại hai mặt trận ấy thì người Mỹ vẫn chưa thể gây sức ép đối với các chủ trương của Bắc Kinh trong các lãnh vực thương mại - bán phá giá để tiếp tục duy trì mức độ thặng dư thương mại - cũng như trong lãnh vực an ninh quốc phòng , để Bắc Kinh tiếp tục xâm chiếm các vùng khác trên thế giới như Châu Phi hay Nam Mỹ cũng như Đông Nam Á bằng ngoại giao , văn hóa , đầu tư , kết hợp với đe dọa bằng quân sự. Cho nên chủ trương của Bắc Kinh là kết thân với Iran , thậm chí với cả Pakistan để hai nước này tiếp tục đặt ra các yêu sách trong các cuộc thương thuyết với Mỹ về vai trò của họ trong tương lai của toàn vùng Hồi Giáo . Pakistan vừa mới đây thỏa thuận mua hai phi đội máy bay chiến đấu J 10 của Bắc kinh với giá khoảng 1.4 tỷ dô la , mặc dù họ nhận viện trợ của Mỹ hàng năm khoảng 1.5 tỷ dô la .

Phía Mỹ nhìn rõ các chủ trương của Bắc Kinh trong sách lược bành trướng , nên đã đồng loạt tiến hành thương thuyết với hầu như mọi quốc gia có đường biên giới với Bắc Kinh nhằm sắp xếp trận đồ trong khu vực . Các khu vực khác chưa có ưu tiên cao vì Bắc Kinh trong ngắn hạn chưa đủ sức gây bất ổn rộng lớn trong các khu vực ấy , vả lại nếu làm như vậy Bắc Kinh cũng tự phá chương trình xâm lăng mềm của mình . Đó là tình hình đã và đang sảy ra kể từ khi Ông Obama lên làm Tổng Thống đến nay . Chính sách ngoại giao của Ông Obama thực ra cũng chỉ tiếp nối các chuẩn bị do Ông Bush trẻ để lại mà thôi . Ông Obama đã cử bà Ngoại Trưởng đến Đông Nam Á chủ yếu nhắm vào các nước có chung đường biên giới với Tầu như Thái Lan , nơi bà Hillary đã tuyên bố “ kết nghĩa giữa hai dòng sông” , điều này bao gồm toàn thể các quốc gia nằm trong vùng hạ lưu sông Cửu Long , bao gồm cả Miến Điện . Cuộc thương thuyết giữa Mỹ với giới quân Phiệt Miến Điện nay đang được xúc tiến gấp rút , bất chấp các vấn đề liên quan đến nhân quyền hay tự do chính trị của Đảng do bà Aung San Sukyi lãnh đạo , chỉ trong ba tháng có đến ba phái đoàn Mỹ đến Miến Điện .

Bà Hillary cũng đến Pakistan , Ấn Độ để chánh thức bàn về vai trò của hai nước này trong bàn cờ tương lai , ngay sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma lên tiếng ủng hộ Ấn Độ trong các tranh chấp với Trung Cộng trên vùng biên giới tranh chấp , Thủ Tướng Ấn Độ ngay sau đó đến thăm bang này . Dĩ nhiên Bắc Kinh cũng nhìn thấy các bước tiến như vậy của phía Mỹ đối với các vùng biên địa của mình và tự hỏi : “đó có phải là Mỹ đang tiến hành bao vây Bắc Kinh từ mọi mặt hay không ?” . Dĩ nhiên người Mỹ , lúc nào cũng rất lịch sự về mặt ngoại giao , vẫn xem nhẹ vấn đề thặng dư mậu dịch của Tầu . Người Mỹ nêu lên vấn đề ngân sách quốc phòng của Tầu vượt quá giới hạn quân phí trong thời bình của Bắc Kinh thực ra là gián tiếp nói đến ý đồ bành trướng , đe dọa lân bang của Bắc Kinh . Về phần mình Bắc Kinh luôn trấn an Mỹ về vấn đề này khi nói rằng mình không đe dọa ai cả , cả hai phía đều tỏ ra rất hòa hoãn , nhưng đằng sau là cả một rừng bất đổng về đủ mọi vấn đề liên quan đến an ninh thế giới hiện nay .

Bắc Kinh hiểu rằng thời gian cũng không còn nhiều đối với họ để tiếp tục khai thác lợi thế thương mại đối với thị trường Phương Tây . Nên cần tập trung tối đa vào việc chuẩn bị mở rộng thị trường nội địa cũng như thị trường các vùng lân cận nhằm từng bước thay thế cho thị trường phương Tây nếu vì bất cứ lý do gì có thể gây ra sự ngưng trệ toàn diện . Muốn vậy Bắc Kinh phải chiếm tối da các vùng tài nguyên để bảo đảm cho guồng máy sản xuất của mình , tăng cường quân đội để bảo vệ các tuyến tiếp vận ấy , đồng thời cũng được coi là phương tiện răn đe (retaliation) đối với các thế lực mà Bắc Kinh coi là kẻ thù tiềm ẩn .

Nhưng cuộc cờ không ngừng ở đấy , các cuộc điều trần tại nhiều Ủy Ban thuộc Quốc Hội Mỹ lại thường nêu lên dủ vấn đề liên quan đến mối đe dọa của Bắc Kinh đối với mạng lưới điện toán tại Mỹ , an toàn cho hệ thống vệ tinh viễn thông của Mỹ cũng như Âu Châu . Các tài liệu được hé lộ trên các kênh truyền hình  hoặc báo chí Mỹ cũng như Âu Châu vẫn thường xuyên nói đến ngày càng nhiều về đủ loại kỹ thuật chiến tranh hiện đại vượt hẳn ra ngoài các hiểu biết thông thường , phim ảnh nói tới nói lui về đủ khía cạnh liên quan đến thời điểm ghi dấu giai đoạn đổ vỡ của văn minh này , cũng như nói tới người ngoài trái đất , văn minh ngoài trái đất . Tổng hợp lại cho ta một kết luận là : “ chiến tranh lớn là khó tránh được ” .

Chúng ta coi các biểu hiện đó như các tín hiệu mà Phương Tây đặc biệt là Mỹ muốn chuyển đến cho toàn thế giới như các lời thuyết phục về thực tế của thế giới hôm nay . Nếu sắp tới đây , Phương Tây phổ biến đầy đủ tài liệu hình ảnh về người hành tinh cùng đĩa bay , thì ta nên coi đó là bước cuối cùng của quá trình thuyết phục nhân loại vậy ( việc này , một vị thính giả trên diễn đàn đã nêu lên trong tuần trước) . Sau đó việc gì sảy ra chả ai biết cụ thể được . Nhưng xin ghi nhớ , Tư Lệnh Không Quân Tầu vừa mới đây 1-11 tuyên bố “ Tầu sẽ quân sự hóa không gian để bắn hạ bất cứ vệ tinh thù địch nào ” . Lời tuyên bố như vậy cho thấy cuộc chiến nay đang trên đà mở rộng lên không gian , vượt qua thỏa hiệp năm 1967 về nghiêm cấm quân sự hóa không gian (Outer Space Treaty ) đã được nhiều quốc gia ký kết .

Về phía Ấn Độ cũng nhìn thấy rõ hiểm họa bành trướng trên Ấn Độ Dương , Đông Nam Á , Nam Á cũng như Thái Bình Dương của Tầu . Lịch sử hai anh khổng lồ này chưa bao giờ đụng nhau trong suốt mấy ngàn năm lịch sử đã qua , chủ yếu vì các giới hạn kỹ thuật . Về phương diện văn hóa thì ngay từ thế kỷ thứ ba CE (sau Công Nguyên) Phật Giáo đã đi theo đường tơ lụa đến vùng Bắc Tầu , chuyến đi thỉnh kinh của Tam Tạng đời Đường sảy ra mấy thế kỷ sau đó (nhà Đường 618-907 CE) , như thế Tầu chịu ảnh hưởng của Ấn trong khi Ấn lại chịu ảnh hưởng của Bách Việt ở phương Nam cùng với Nomad phương Tây ở phía Bắc . Đó là món nợ của Hán với Ấn vậy .

Cả hai phía đều hiểu thấu tầm quan trọng của Hy Mã Lạp Sơn trong việc khống chế toàn vùng về mặt chiến lược cũng như khoa học Địa Lý (phong thủy) . Ấn Độ là quốc gia Dân Chủ lớn nhất thế giới , văn minh Ấn Độ trông vậy chứ gần với văn minh Phương Tây hơn , dân Ấn chấp nhận nguyên tắc thị trường tự do , cho  dù xã hội Ấn Độ vẫn còn tồn tại một số biểu hiện của xã hội cũ còn sót lại , nhưng xã hội Ấn Độ trông thế chứ vững chắc hơn xã hội Tầu chủ yếu dựa vào bạo lực trấn áp nhân dân . Đó là mầm mống của bất ổn từ bên trong , xã hội Tầu tuy mạnh bên ngoài nhưng thực ra có đôi chân bằng đất sét .

Trong điều kiện cụ thể toàn vùng , Phương Tây yểm trợ cho nước Ấn trở nên hùng mạnh trong vùng là quá đúng . Dĩ nhiên Ấn Độ cũng đã tăng cường vũ trang tối đa theo cách của mình trên biển , trên không gian cũng như trên đất liền . Nhưng các chuẩn bị này ít được nói tới , mới đây họ đã thử nghiệm một hỏa tiễn đa đầu kiểu khá lạ (multiple intertargetable reentry vihicle) : “ hỏa tiễn mẹ mang nhiều hỏa tiễn con chỉ nặng khoảng dưới 10 kg ” . Về phương diện quân sự mà nói thì hỏa tiễn trong tương lai phóng từ không trung xuống mục tiêu dưới đất không cần phải mang khối chất nổ như đạn pháo thông thường , nếu hỏa tiễn ấy là một mũi tên siêu cứng phóng từ độ cao 500 km xuống mục tiêu dưới đất thì , một chiến hạm sẽ bị nổ tung ngay chỉ bằng một viên đạn duy nhất .

Cuộc chiến trong không trung , trên biển cả hay trên đất liền của hai anh khổng lồ này xem ra cũng bên tám lạng kẻ nửa cân chứ chẳng vừa .

Mấu chốt của tình hình từ Lưỡng Hà đến Nam Á lại do hai anh khác đang gườm nhau . Iran đã công khai thử hỏa tiễn tầm trung , theo tin ghi nhận thì họ đã có kỹ thuật gắn bom nguyên tử vào hỏa tiễn đủ sức trả đũa các thế lực xung quanh (retaliation) như Do Thái , Ấn Độ hay Pakistan . Trong cuộc thương thuyết bí mật hiện nay với Mỹ , Iran đã công khai đòi quyền làm Cảnh Sát khu vực Trung Đông , có thể bao gồm luôn Nam Á Hồi Giáo . Xét ra chẳng có lý do gì để Mỹ cản trở ước muốn này của Iran cả , vấn đề là giới hạn để Iran không gây đe dọa đối với quân Mỹ khi tiến trình rút quân Mỹ sảy ra mà thôi . Dù có thỏa hiệp mật , việc đề phòng vẫn phải tiến hành , vì tính bất trắc của tình hình Hồi Giáo nói chung , các chính quyền trung ương chẳng thể kiểm soát được các nhóm sứ quân trong vùng .

Anh kia là Pakistan , với dân số trên 170 triệu , có đầy đủ đồ chơi trong tay , là vùng bản lề giữa Trung Cộng với Hồi Giáo , cũng đang chuẩn bị để trở thành Cảnh Sát khu vực Nam Á . Thật chẳng có lý do gì để Hoa Kỳ lại không viện trợ tối đa cho Pakistan như một hành động đền ơn đáp nghĩa vì những việc mà Pakistan đã hợp tác với Mỹ từ thời chiến tranh lạnh đến giờ (nhất là từ thời ông Musharaf còn làm Tổng Thống Pakistan đến nay ) . Người Mỹ vốn như vậy , họ trả ơn ngay khi có thể , đối với thân hữu chưa có cơ hội trả ơn thì họ vẫn ghi nhận và không quên công trạng của những người hay quốc gia đóng góp công sức của mình vào thành quả chung đó .

Như vậy hai thế lực này khó tránh khỏi đụng độ , như lịch sử đã để lại quá nhiều cuộc đụng độ giữa hai thế lực này trong quá khứ . Vấn đề là quy mô và thời điểm thôi . Theo cách này Iran sẽ sớm hoàn thiện kỹ thuật hỏa tiễn và nguyên tử , Pakistan sẽ sớm củng cố quân đội trên quy mô lớn với viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ (nghe nói tới 10 tỷ dollar ,đã được Quốc Hội Mỹ thông qua , kèm theo điều kiện Pakistan không được dùng để đánh Ấn Độ ) . Tại Afghanistan thì Ông Kazai làm Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ nữa , Ông cũng phải sớm tăng cường quân đội và cảnh sát để đáp ứng với tình hình trong vùng . Bây giờ là lúc Ông Obama đang gây áp lực tối đa với ông Kazai về vấn đề này . Nhưng cũng cần ghi nhận rằng , ngay trong chính quyền Kazai hoặc các cơ quan chính quyền Afghanistan có lẽ cũng không thiếu các tổ nằm vùng của al Queda cũng như Taliban đã gài sẵn trong đó . Nhưng chúng chưa ra mặt hành động cũng chỉ chờ cho quân Mỹ rút đấy thôi . Như thế tình hình tại Afghanistan , sau khi quân NATO rút đi cũng để lại nhiều bất trắc cho toàn vùng , như lịch sử của vùng này đã từng chứng kiến trong thời gian dài đã qua . Thí dụ : khi Mông Cổ suy tàn thì Tamerlan nổi lên ngay sau đó , khi Liên Xô rút đi thì Taliban nổi lên và Bắc Kinh tìm cách lấp đầy khoảng trống liền tức thì .

Hiện nay Bắc Kinh đang gấp rút chuẩn bị các con cờ trong vùng . Mối quan hệ với Iran vẫn tiếp tục được củng cố qua các hợp đồng khai thác dầu khí cũng như quân cụ mà Iran không thể mua được ở các thị trường khác ngoài Bắc Kinh . Chính sách bán rẻ quân cụ như một phương tiện ngoại giao nhằm lôi kéo đồng minh là điều mà Bắc Kinh đang xúc tiến tối đa . Chủ trương này đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Pakistan qua nhiều dạng viện trợ kinh tế cũng như quân sự khác nhau . Nếu nắm được Iran với Pakistan thì Bắc Kinh sẽ nắm được Afghanistan và toàn vùng Trung Á mà không gây cho Nga các mối bận tâm về an ninh tức thời , nếu Bắc Kinh đi trực tiếp vào Trung Á như con đường bành trướng trước đây . Từ các chuẩn bị này Ấn Độ sẽ bị đe dọa ngay từ bốn phía bởi Pakistan , Iran , Hy Mã Lạp Sơn cũng phía Ấn Độ Dương .

Ý đồ của Bắc Kinh là nhằm phá vỡ chủ trương của Phương Tây khi muốn xây dựng con cờ Ấn Độ cũng như liên minh với các quốc gia thuộc Khối Đông Nam Á . Mới cách nay vài ngày , Hải Quân Hán được thế giới ủy quyền phối hợp các nỗ lực chống hải tặc . Việc này có cái hay nhưng cũng có điều chẳng hay ở chỗ , quân đội Bắc Kinh vốn quen xử dụng bạo lực và hành xử kiểu bá quyền nước lớn , nên dễ gây ra cuộc chiến trên vùng Ấn Độ Dương một khi Hải Tặc Somalia tăng cường các hành vi cướp bóc trên biển , mà việc này chắc chắn sẽ sảy ra . Ngòi nổ chiến tranh hiện được cài đặt khắp nơi khắp chốn từ Đông Nam Á , đến Trung Đông cũng như Ấn Độ Dương . Trong điều kiện như vậy ta dễ dàng nhận thấy , chủ trương viện trợ ồ ạt cho Pakistan , Afghanistan cũng như Iran , Irak của Bắc Kinh trong thời gian rất gần tới đây . Bắc Kinh đang dồn tối đa nỗ lực nhằm điền khuyết khoảng trống quyền lực trong vùng Nam Á đến Trung Đông một khi ảnh hưởng của Phương Tây giảm thiểu trong vùng .

Như thế trận đồ đã hình thành đúng như lịch sử toàn vùng để lại . Tham vọng của các phía nay đã đẩy đến mức không thể hòa giải , và chẳng ai có thể hòa giải được trong điều kiện như hiện nay . Cuộc chiến cần thiết và chọn lựa cần được hiểu theo nghĩa đó .

NÓI TRUYỆN SONG PHƯƠNG .

Bắc Kinh chủ trương nói truyện song phương với từng nước trong khu vực Đông Nam Á theo chủ trương bẻ đũa từng cái một để xâm lăng toàn vùng Á Châu nhằm từng bước hất cẳng phương Tây kể cả Nga ra khỏi Á Châu nhằm từng bước thiết lập trật tự thế giới kiểu Hán . Mỹ chủ trương nói truyện song phương với từng quốc gia riêng lẻ vì muốn kéo các quốc gia ấy ra khỏi quỹ đạo của Hán , tạm thời không đặt các vấn đề tự do căn bản , dân chủ thành các vấn đề lớn để thương thuyết , mà chủ yếu trình bày quan điểm của Phương Tây đối với cục diện trong vùng với các đe dọa cụ thể của Hán về mặt an ninh đối với toàn vùng cũng như đối với từng quốc gia để các nhóm cầm quyền tự chọn lựa thái độ lập trường . Việc này cũng đi đúng với lịch sử toàn vùng đã từng biết bao lần hứng chịu các áp lực Hán Hóa trong suốt mấy ngàn năm qua , và hiện nay áp lực ấy còn gia tăng gấp bội so với quá khứ .

Bắc Triều Tiên tuy hung hăng nhưng cũng chỉ nhắm tới việc nói truyện tay đôi với Mỹ về tương lai của dòng họ Kim mà thôi . Đây là việc mà Mỹ có thể làm trung gian hòa giải giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên . Hiện nay các cuộc nói truyện tay đôi trực tiếp đã được bán chánh thức thực hiện thông qua LHQ . Phản ứng của Bắc Triều Tiên trong quá trình thương thuyết có thể bất ngờ chuyển hướng , theo nhiều cách khác nhau mà họ hay xử dụng .

Tiến trình thương thuyết tay đôi sảy ra sớm nhất giữa Mỹ với VN Cộng Sản . Nếu phải ghi dấu ấn thì nên khởi đầu với việc chính phủ Mỹ đổng ý cho phép người Việt được chuyển tiền về nước giúp thân nhân , việc này cần được coi như một dạng viện trợ kinh tế . Cho đến khi đám lãnh đạo chóp bu CSVN kéo nhau sang dự phiên họp tại Thành Đô năm 1990 được coi như hội nghị bán nước mà không hề có bất cứ chuẩn bị tối thiểu về nghị trình cũng như về những gì có thể thỏa thuận được trong cuộc họp ấy , do thế tình hình phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều , việc giải quyết không thể vội vã theo suy nghĩ của đa số người Việt được .Vì tham vọng chiếm VN và cả Đông Nam Á của Bắc Kinh đã lộ rõ từ rất lâu rồi , nên mọi diễn biến liên quan đến VN cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng tùy thuộc vào mối đe dọa xâm lăng VN của Bắc Kinh cũng như các diễn biến liên quan đến nhiều nơi khác trên thế giới . Chính làn sóng xâm lăng của Bắc Kinh đã thúc đẩy nhân dân VN phải chọn lựa một hướng đi , chọn đồng minh . Trong điều kiện như vậy , những vấn đề liên quan đến tự do , nhân quyền phải tạm gác sang một bên vì nhu cầu chính trị , an ninh là quan trọng tối hậu .

Chủ trương này cũng đang được thúc đẩy với Miến Điện , mặc dù bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng của nước Miến Dân Chủ , nhưng ưu tiên bây giờ là kéo các tướng lãnh Miến Điện , vốn bị gọi là Junta , ra khỏi vòng kim cô do Hán tung ra . Chính chủ trương đó mới dẫn đến việc mà Hillary Clinton chọn Thái Lan để tuyên bố : “ kết nghĩa giữa hai dòng sông  ” . Nhưng dù sao Miến Điện không phải là chiến trường chính , nên Hoa Kỳ cũng không quá gấp rút đối với giới quân Phiệt Miến và cũng không nhất thiết nêu lên vấn đề hợp tác giữa quân đội hai phía như trường hợp của VN đã và đang sảy ra . Nhưng đằng sau cánh cửa khép kín , ai biết điều gì sẽ sảy ra .

Đó là cục diện trên toàn vùng Á Châu . Chúng ta cần tiếp tục theo sát các diễn biến có khả năng sảy ra các đột biến nào ai ngờ được .

CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI .

Trung Cộng thặng dư trong cán cân thương mại với Mỹ và cả Phương Tây là điều ai cũng biết . Mỹ yêu cầu Tầu nâng giá trị đồng bạc của họ , Tầu quyết không nhượng bộ . Mỹ cho phá giá đồng dollar Mỹ tối đa vừa để cứu kỹ nghệ tài chánh , vốn là huyết mạch của nền kinh tế dịch vụ của Mỹ , chi phối mọi lãnh vực và khu vực kinh tế khác . Chiến lược chiến tranh kinh tế này vẫn tiếp tục trong suốt năm 2009 kể từ những tháng cuối của chính quyền Bush , đã tỏ ra thành công .

Thực ra , phối hợp các chính sách quốc nội , quốc ngoại , quân sự trong một tổng thể chiến lược toàn cầu là chủ trương cốt lõi đã được các quốc gia trụ cột trong Liên Minh Phương Tây soạn thảo và đi đến đồng thuận từ lâu rồi . Khi dollar phá giá thì các đồng tiến chính trên thế giới cũng phá giá theo làm cho thị trường tiền tệ thế giới tương đối ít chao đảo . Quốc gia nào giữ dollar sẽ mất giá trị thực trong tích sản của mình thôi nếu giao hoán sang tiền tệ bản xứ cũng như mua nguyên liệu cũng tăng giá khi dollar mất giá . Hai lãnh vực chính thể hiện niềm tin nơi người tiêu thụ Mỹ là lãnh vực địa ốc liên hệ trực tiếp đến tài sản của người dân , và thị trường chứng khoán . Việc khôi phục không khó khi khối tiền tệ được tung ra hầu như vô giới hạn để cứu thị trường . Dĩ nhiên là với những tay chơi mới được tuyển chọn theo tiêu chuẩn mới khi các đại công ty được tái tổ chức lại . (đây là lãnh vực rất chuyên môn không dễ gì nắm bắt được ngọn nguồn ) .

Vả lại , không ai biết thế lực ngầm tại Mỹ cũng như Âu Châu hay Nhật Bản nắm giữ bao nhiêu chứng khoán của các công ty , cũng như guồng máy phối hợp các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán của các công ty môi giới chứng khoán , các Hedge Fund , các Mutual Fund cùng các định thế tài chánh khác . Thế lực này , dĩ nhiên hoạt động dựa trên các chi phối của thị trường và luôn rất nhạy bén trước các biến động ( sensity ) , sẵn sàng tung tiền ra - cũng vô giới hạn - để thâu gom chứng khoán của bất cứ ai bán ra . Kết quả là chứng khoán trôi nổi trong dân chúng nay được tập trung mạnh hơn vào một trung tâm duy nhất so với trước đây , giá chứng khoán liên tục tăng , nay đã lên đến trên 10,000 , sẽ còn tiếp tục tăng có thể lên đến con số 12,000 vào năm tới . Với đà phá giá đồng dollar , giá vàng nay đã lên đến con số trên 1,100 dollar/ounce và vẫn còn tiếp tục tăng cao nữa , giá dầu thô cũng như các nguyên liệu khác cũng vậy .

Dollar mất giá không ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày của dân Mỹ , khi giá cả mọi loại hàng hóa trên thị trường không tăng . Nhưng vấn đề nhạy bén nhất lại là nạn thất nghiệp cao tại khắp nơi trên thế giới . Chính phủ Obama dường như khó giải quyết được vấn đề nhạy bén này chỉ bằng các chính sách tài chánh hay tín dụng , mà chủ yếu bằng và thông qua các chính sách quốc tế . Nói đến chủ trương quốc tế tức là nói đến việc lâu dài vượt ngoài tầm kiểm soát của hành pháp có nhiệm kỳ bốn năm , như thế Ông Obama không thể giải quyết vấn đề thất nghiệp một cách trực tiếp trong nhiệm kỳ này được , vì còn phải chờ các diễn biến quốc tế quan trọng chắc sẽ sảy ra trong nhiệm kỳ này của Ông Obama . Thực ra tỷ lệ thất nghiệp phải tiếp tục tăng cao mới đúng với tình hình hiện nay trên thế giới cũng như nước Mỹ . Dự kiến này cũng đã được tôi trình bày đã lâu trước lúc Ông Obama lãnh trách nhiệm tại Bạch Cung .

Tỷ lệ thất nghiệp tại khắp các quốc gia Phương Tây hiện nay đã vượt qua 10% , tiền trợ cấp cho người thất nghiệp cứ kéo dài hoài cho đến khi có một biến cố quan trọng nào đó đủ sức tạo ra một cơ hội để khôi phục lại thị trường lao động tại Mỹ cũng như Phương Tây . Thời gian để kéo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống dưới 6% có thể cũng phải mất thêm ít ra là năm hay sáu năm tới . Tỷ lệ thất nghiệp cao kết hợp với các biến cố thế giới , xem ra sẽ là những đe dọa đối với khả năng đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng Thống của Ông Obama và có thể cũng của Đảng Dân Chủ nói chung .

NGHĨ LẠI

Vụ Thiếu Tá Bác Sỹ tâm lý thuộc Lục Quân xả súng bắn loạn vào đồng đội tại căn cứ Ft Hood , TX cho ta thấy mối ngờ vực đối với cộng đồng người Hồi Giáo tại Mỹ . Tin mới nhất cho thấy Thiếu Tá Nadal Malik Hasan có liên hệ với các giáo sỹ cực đoan . Suy rộng thêm nữa ta sẽ thấy , trong lòng nước Mỹ này chẳng thiếu những nhóm thiểu số tuy mang quốc tịch Mỹ , nhưng sẵn sàng phục vụ cho quyền lợi của nước gốc của họ . Giáo dục họ biết dung hòa quyền lợi của cả hai phía trong trường hợp này không dễ , có thể phải tốn thời gian rất dài và phải thông qua một biến cố cực mạnh mới giải quyết được vấn đề tự căn gốc , bằng cách làm tê liệt cái đầu của các nhóm cực đoan này mới được .

Xét trên khía cạnh an ninh của nước Mỹ cũng như quân Mỹ tham chiến ở hải ngoại thì cánh Hồi Giáo và cánh Hoa Kiều Cộng Sản vốn tiềm ẩn các đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ . Nadal là một thiếu tá bác sỹ , như vậy là người được đào tạo đến nơi đến chốn , mà còn xả súng bắn vào quân nhân Mỹ , thì khoảng 3,500 người Hồi Giáo khác hiện trong quân đội Mỹ sẽ trở thành mối lo đến dường nào . Quân Mỹ đã có mặt ở Afghanistan hơn 8 năm qua , tình hình tại đó ngày càng suy đồi thêm . Chính quyền Kazai hầu như làm được rất ít để góp phần ổn định ít ra một phần nước Afghanistan . Nếu so sánh với năm 1954 khi nước Việt bị chia đôi theo hiệp định Geneve , cũng tình trạng sứ quân từ bắc Trung Phần đến Đồng Bằng sông Cửu Long . Nhưng chỉ hơn một năm sau tình hình Miền Nam VN đã ổn định , để đến năm 1956 thì chính quyền trung ương đã được tái lập vững chắc , để tạo cho VNCH thời kỳ ổn định và phát triển trong những năm kế tiếp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa .

Khi chiến tranh tại Miền Nam mở rộng , quân Mỹ ồ ạt tham chiến , quân đội VNCH đã sát cánh với quân Mỹ trên khắp các chiến trường dưới dạng cố vấn hay phối hợp chiến đấu . Nhưng chưa bao giờ sảy ra trường hợp quân VNCH nổ súng bắn người Mỹ , biết bao người lính VNCH đã xả thân cứu các cố vấn Mỹ bị thương hay bị bắt trên chiến trường .

Chiến cuộc VN cũng chính là cuộc chiến chọn lựa và cần thiết trong toàn cảnh của chiến tranh lạnh kéo dài suốt 45 năm . Người VN không tồi như giới truyền thông Mỹ đã cố tình bóp méo sự thật , người VN chủ trương tự do dân chủ ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong cuộc chiến đầy oan nghiệt ấy , cũng như các hệ lụy mà cuộc chiến ấy để lại . Chính quyền VNCH được xây dựng rồi bị bóp chết trong tức tưởi vì các mưu kế trong chiến tranh lạnh đã qua . Chưa hề có một chính quyền nào , một quân đội nào trong lịch sử nhân loại lại phải đối diện với cuộc chiến với đồng minh còn tồi tệ hơn là đối với kẻ thù trên chiến trường ; cho dù kẻ thù ấy cũng là đồng bào mình nhưng khác chính kiến như người Mỹ đã từng chiến đấu như vậy trong cuộc nội chiến nhằm bảo vệ các giá trị mà các tổ phụ Mỹ đã đề ra . Không ai ghi nhận chính xác được số viên chức VNCH trong quân đội , dân sự cũng như nhân dân đã tự sát trong và sau ngày 30-4-75 . Con số đó không nhỏ , nếu phải so sánh với người Nhật trong những tháng cuối của Thế Chiến II .

Những nhóm phản chiến Mỹ trong giới truyền thông , cho dù phù hợp với chủ trương của chính quyền Mỹ , đã không ngừng lên tiếng miệt thị chế độ VNCH là tham nhũng , không chịu chiến đấu . Đó là sự xúc phạm danh dự đối với những người đã sát cánh cùng người Mỹ cũng như lực lượng quân sự Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa CS trên quy mô toàn cầu . Hơn 34 năm qua , chiều hướng miệt thị VNCH vẫn tiếp diễn theo cách này hoặc cách kia . Tình hình nay đã thay đổi nhiều so với 40 năm trước . Bây giờ là lúc Hoa Kỳ cần tiến hành từng bước cụ thể nhằm khôi phục lại danh dự đối với tất cả quân dân VNCH là những người đã sát cánh cùng người Mỹ trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa CS trên quy mô toàn cầu .

Sự việc Tổng Thống Obama mới đây yêu cầu Bộ Quốc Phòng tặng thưởng cho Tướng Bùi Thế Lân , Nguyên Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến VNCH , huân chương Anh Dũng chỉ mới vinh danh một cá nhân . Đối với tất cả những ai đã hy sinh máu xương cho cuộc chiến ấy cần được vinh danh tập thể bằng việc khôi phục lại danh dự cho Chế Độ VNCH nói chung . Tình hình thế giới hiện nay thực đã chín mùi cho một dự án như vậy .

Lê Văn Xương . 11-09-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét