Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Tác động về cái chết của bà Benazir Bhutto

Lê Văn Xương


Dư âm về cái chết của bà Benazir Bhutto vẫn đang chi phối các phương tiện truyền thông thế giới với các âu lo được để lộ rõ: liệu cái chết ấy có làm phá hỏng toàn bộ kế hoạch chống khủng bố quốc tế hiện được tập trú vào vùng Trung Đông trải dài từ bờ Bắc của Địa Trung Hải đến Nam Á hay không? Liệu rồi ra tình hình sẽ diễn biến thế nào nếu vị trí của ông Musharraf bị thách đố bởi các nhóm Taliban còn sót lại với nhóm Al Queda thông qua các bộ tộc ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Afghanistan?

Sự bất ổn ở Pakistan có dẫn đến sự bất ổn ở Afghanistan hay không khi mà các tiến bộ ở đấy đang được cải thiện từng bước, 2 triệu người Afghanistan đã trở về nước trong các năm qua; tác động kế tiếp là tham vọng bành trướng của Iran về vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo rồi sẽ được giải quyết như thế nào, và hệ lụy rõ ràng hơn nữa là ở trung tâm của Trung Đông tại Irak thì liệu Hoa Kỳ có thể mau chóng rút quân ra khỏi vùng đầy bất trắc này ít ra là ở một mức độ nào đó và chỉ để lại một quân số vừa đủ để giữ an ninh cấp vùng như là một thế lực bảo chứng cho chiều hướng hợp tác xây dựng tin tưởng lẫn nhau giữa các nhóm Shiite, Sunni và Kurk? Tinh thần họp tác xây dựng và tin tưởng lẫn nhau vốn đã rất yếu kém trong khối các quốc gia Hồi Giáo đặc biệt là tại Trung Đông và Bắc Phi kể từ thời tiền Mohamet đến nay rồi chứ chẳng phải là hệ lụy của các cuộc can thiệp của Âu Châu vào vùng đất giầu tài nguyên và đầy bất ổn này từ thế kỷ 19 đến nay.

Dĩ nhiên còn hàng loạt các câu hỏi hóc búa khác nữa xin chỉ được liệt kê sơ lược ra đây mà thôi. Thí dụ: thái độ của Nga sẽ thế nào khi người Nga không ngừng cung cấp cho Iran hàng loạt các trang thiết bị quân sự hiện đại nhằm giúp đỡ các nhóm giáo sỹ cực đoan chống lại một cuộc tấn công có thể xẩy ra giữa Hoa Kỳ và Do Thái với Iran, trong khi Hoa Kỳ đã đặt lực lượng vệ binh Cộng Hòa Hồi Giáo Iran với quân số khoảng 150.000 người được trang bị hùng hậu và nắm hết tài nguyên của Iran vào trong danh sách các tổ chức khủng bố? Nếu theo đúng với các định nghĩa về mặt chiến lược trong sách lược chống khủng bố của Tổng Thống Bush thì: Iran phải bị đánh phủ đầu vì họ chứa chấp khủng bố và là tổ chức khủng bố nhân danh quốc gia. Thực sự thì ông Putin muốn gì ở Iran và Trung Đông hay nhiều nơi khác trên thế giới?

Câu hỏi được đặt ra là: ông Putin của nước Nga quan niệm thế nào về điều đươc coi là quyền lợi sinh tử của Nga và nước Nga có sẵn lòng nhìn nhận trách nhiệm của mình đối với thế giới như là một quốc gia văn minh hay không?

Đó cũng là câu hỏi được đặt ra với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán là một quốc gia đang lên, cũng nuôi tham vọng trong điều kiện nước Hán đang phải đối diện với đầy dẫy bất trắc ở bên trong nên sẵn sàng lăn sả vào bất cứ vùng nào có tài nguyên để cung cấp cho Đại Hán một cảm nghĩ rằng họ được sống trong an toàn. Như thế kẻ thù của Đại Hán nằm ngay trong đầu của Đại Hán chứ chẳng ở nơi nào khác. Nếu so sánh với Hồi Giáo cực đoan thì Hồi Giáo cực đoan cũng tồn tại một dạng kẻ thù nào đó trong tiềm thức của họ. Trục kẻ thù tưởng tượng này ra khỏi cái đầu của nhóm cực đoan Hồi Giáo cũng như của nhóm lãnh đạo Bắc kinh cần được coi là ưu tiên hàng đầu đối với thế giới hôm nay.

Cái chết của bà Bhutto cũng để lại nhiều hệ lụy về phương diện kinh tế thế giới đặc biệt liên quan trực tiếp đến giá dầu thô. Cách nay đã 3 hoặc 4 năm, tôi chỉ đưa ra dự kiến là giá dầu sẽ lên 100 US dollars thùng nhưng cách nay vài ngày Wall Street Journal đã nâng dự kiến ấy lên 200 US dollars thùng vào năm 2018 và tại Âu Châu dự kiến là 250 US dollars/ thùng, tất cả điều đó đều để lộ cho thấy kinh tế thế giới ngày càng trở nên bấp bênh hơn và cuộc khủng hoảng kinh tế xem ra gần kề. Tờ báo Nga Prada Ru và ngân hàng Saxo Bank của Đan Mạch đã tiên đoán là năm 2008 kinh tế thế giới gặp khó khăn, giá dầu tăng lên 175 US dollars /thùng, kinh tế Tầu giảm 40%, kinh tế Mỹ giảm 25%. Đó là hệ lụy tất yếu của các biện pháp chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ trong các năm qua khi kỹ nghệ IT (information technologie) suy sụp nên Hoa Kỳ đã phải lấy kỹ nghệ xây dựng điền vào chỗ trống, dẫn đến khủng hoảng tín dụng Subprime Loan (các khoản vay dễ dãi với lãi xuất thấp) và bây giờ là khủng hoảng tín dụng đến đỗi Quỹ dự trữ liên bang đã phải bơm tiền cho các công ty tài chánh và hạ lãi xuất để đề phòng tình trạng tệ hại xẩy ra. Nhưng xem ra các biện pháp chống đỡ này cũng chỉ đủ để làm giảm nhẹ mức thiệt hại mà thôi. Chiến tranh kinh tế luôn để lại các hệ lụy lâu dài và dễ đến chiến tranh vũ trang lắm.

Mối lo của thế giới là thực, rất thực!

Nhưng dù vậy các vấn đề ấy sẽ không phải là trọng tâm của bài phát biểu hôm nay của tôi theo đó tôi dự trù tập chú vào vấn đề ảnh hưởng về cái chết của bà Bhutto đối với cục diện trong vùng mà thôi.

Khi xem lại các bài phát biểu của bà Bhutto tại viện nghiên cứu chính sách về Trung Đông trước lúc bà Bhutto về Pakistan ta thấy bà là người đàn bà rất quả cảm và là chiến sĩ tự do dám sống chết cho lý tưởng về một nước Pakistan dân chủ thực sự bất chấp các mâu thuẫn trầm kha của tổ quốc của bà mà theo đó các cuộc đảo chánh quân đội cầm quyền, ám sát chính trị, tố giác lẫn nhau liên tục kể từ khi Pakistan được độc lập và tách ra khỏi Ấn độ từ năm 1948 đến nay.

Như vậy Bà chấp nhận tử vì đạo vì lý tưởng tự do và Bà đã tử vì đạo thật.
Khi quan sát cục diện Pakistan trong 8 năm qua đặc biệt từ khi cuộc chiến Afghanistan nổ ra từ 2001 đến nay nhằm quét sạch Taliban và Al Queda ra khỏi vùng đầy xáo trộn này thì Pakistan dưới quyền lãnh đạo của ông Musharraf là trụ cột cho đường lối của Mỹ ở Nam Á Châu. Nên một xáo trộn ở Pakistan sẽ dẫn đến xáo trộn ở Afghanistan như là một tất yếu.

Khi Taliban và Al Queda bị đánh bại ở Afghanistan thì tàn quân của chúng tràn vào vùng bộ tộc Warikistan nằm sát biên giới hai nước. Năm 2003 chiến cuộc Irak đã lật nhào chế độ Sadam Hussein nhưng với các tranh chấp triền miên giữa Sunni và Shiite tại đấy nên tình hình ở Irak chưa thể ổn định. Bằng vào đường lối ngoại giao theo khuyến cáo của Ủy Ban Nghiên cứu về Irak (ISG) do hai vị James Baker và Hamilton đề xuất cùng với đà tăng quân ở Irak đặc biệt trong khu tam giác Sunni và nhóm đa số Shiite phải chấp nhận để nhóm cựu đảng Baath tham gia  quân đội Irak đã làm cho tình hình ở Irak trở nên cải thiện, người Irak ở Syria đang trở về nước ngày một đông hơn cho nên bây giờ là lúc cần giải quyết dứt điểm nhóm tàn quân Taliban và Al Queda tại Pakistan là vậy.


Điều đó có nghĩa là chiến tranh leo thang hay mở rộng. Đó là tất yếu đối với tình hình trong vùng. Khi nói đến chiến tranh mở rộng có nghĩa là quân Mỹ và NATO phải xâm nhập Pakistan, điều này đã bị cấm kỵ trong suốt gần 7 năm qua. Sự xâm nhập Pakistan của quân đội NATO không thể là một quyết định đơn phương của ông Musharraf được điều đó sẽ làm cho hai nhóm còn lại nổi lên chống đối và sự an nguy của quân đội NATO là khôn lường.

Cho nên việc quân NATO đánh đuổi quân Taliban và Al Queda bên trong lãnh thổ Pakistan phải là quyết định đa phương liên hệ đến 3 nhóm chính trị từ trước đến nay luôn kèn cựa nhau và chém giết nhau, đó là đảng PPP (Pakistan People Party) do bà Benazir Bhutto lãnh đạo với đảng Hồi giáo do Nawar Sharif lãnh đạo và cánh quân đội do Musharraf lãnh đạo. Sự thỏa thuận này là cực kỳ quan trọng trong bước tới của tình hình trong vùng. Do nhận định như vậy nên hôm qua trên diễn đàn tôi đã nói là: quân NATO phải xâm nhập Pakistan thôi, hôm nay nguồn tin ấy đã được phía Mỹ xác nhận.

Sư hiện diện của quân NATO và tình báo NATO bên trong lãnh thổ Pakistan là rất quan trọng nhằm đánh bật gốc của nhóm Taliban và Al Queda để bảo vệ thành quả ở Afghanistan. Trong thời gian mấy năm qua nhiều người viết bình luận VN luôn so sánh Irak với Việt Nam hoặc so sánh Afghanistan hiện nay với thời kỳ quân Liên Xô xâm chiếm Afghanistan từ 1978 – 1988. Sự so sánh như vậy là rất phiếm diện và thiếu sót vì cục diện thế giới hôm nay và 30 năm trước hoàn toàn khác nhau chiến thuật chiến lược khác nhau và  sức mạnh quân sự kinh tế cũng như ý đồ chiến lược rất khác biệt giữa hai cuộc chiến ấy.

Lấy Liên Xô 1978 – 1988 làm thí dụ, quân Liên Xô đến Afghanistan như là quân chiếm đóng và chỉ thực hiện một mũi dùi tiến công duy nhất vào một vùng đầy thù nghịch ở xung quanh Irak, với Khomeimi luôn chống Liên Xô ở Iran, Pakistan là đồng minh của cả Tầu lẫn Hoa Kỳ, một Ấn Độ ở sâu về phía Nam không có truyền thống xâm lăng và là quốc gia dân chủ trung lập lớn nhất thế giới nên Ấn Độ không thể là đồng minh tin cậy của Liên Xô được. Liên Xô thua cuộc là quá đúng.

Đối với Hoa Kỳ và Phương Tây việc lật đổ hai chế độ Sadam Hussein và Taliban nằm trong một kế hoạch sâu rộng hơn nhiều so với những gì của chúng ta được biết. Họ hiểu thật rõ rằng: muốn bình định thế giới thì việc lật đổ các chế độ bạo tàn ấy là một công việc đầy chính nghĩa, đó không phải là chiếm đóng, nên sau mỗi chiến dịch quân sự nối tiếp bằng một kế hoạch xây dựng lại quốc gia ấy đến nơi đến chốn bằng vào việc tìm cách thuận lợi nhất để giải quyết các mâu thuẫn đã tồn tại hàng ngàn năm trong lòng xã hội ấy để đặt tất cả các thế lực nội tại ấy phải tương nhượng nhau và cùng sống hài hòa trong tinh thần dân chủ tự do, đó là bảo đảm cho sự ổn định lâu dài đối với các vùng đầy bất ổn ở Trung Đông.

Dĩ nhiên thời gian chờ lâu hay mau lệ thuộc vào sự phức tạp trong cấu trúc các xã hội ấy cho nên cần thời gian để các thế lực ấy tự sắp xếp và tự đấu tranh để họ phải chấp nhận lẽ phải, và dĩ nhiên điều ấy cũng còn lệ thuộc vào bối cảnh chung của thế giới mới được cho nên Irak cần đến 5 năm để sơ bộ có một trật tự mới, Afghanistan cần 7 năm. Với Pakistan thì không cần phải có hành động kiểu áp dụng với Taliban hay Irak, nên sự trở về nước của Bà Benazir Bhutto và ông Nawar Shrif là nhằm đặt ra một kiểu chính quyền Liên Hiệp giữa các nhóm luôn đối nghịch nhau, chứ không phải là một chính quyền độc tôn theo kiểu cũ như đã từng xẩy ra từ trước đến nay được nữa.

Một Pakistan rồi ra sẽ đi đến ổn định hơn so với bất cứ thời kỳ nào đó trong lịch sử 60 năm độc lập của mình sẽ mở ra một trào lưu mới cho Pakistan thống nhất và không bị phân rã.

Dĩ nhiên quân đội ngoại nhập vẫn phải hiện diện lâu dài trong vùng trải dài từ Pakistan đến Libang để làm thế ỷ dốc cho các cải cách sâu hơn về nhiều mặt đối với xã hội Hồi giáo nói chung.

Tất cả các quốc gia ấy không thiếu tài nguyên nhưng tự bản thân họ không thể tự giải quyết được các mâu thuẫn của mình nên cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Như thế sự giúp đỡ từ bên ngoài không phải là chiếm đóng, chẳng phải là thực dân mà là Cộng Hòa Huynh Đệ mà Hoa Kỳ đem lại cho các nơi trên thế giới theo như lời của TNS John Mc Cain nói mới đây.

Nhưng như vậy, làm thế nào để giải thích về cái chết của Bà Benazir Bhutto. Al Queda nhận trách nhiệm về việc này đó là vấn đề nhỏ và sẽ được làm sáng tỏ khi Scotland Yard,
cơ quan tình báo của Anh phụ giúp điều tra sẽ cho biết ngọn nguồn sự việc. Ở đây ta chỉ bàn về bản thân bà Benazir Bhutto mà thôi. Bà ta là người chói sáng trong xã hội Hồi giáo đầy bảo thủ mà thân phận người đàn bà bị coi là Subhuman (dưới người) và đảng PPP do bà lãnh đạo có khả năng chi phối chính tình Pakistan mà không chịu thỏa hiệp vì nhánh ở phía Nam đông dân luôn thù ghét nhánh phía Bắc hoặc các bộ tộc. Như vậy khi bà Benazir Bhutto bị sát hại, thế lực của PPP yếu đi để có được sự quân bình giữa ba phái bên trong nước Pakistan. Đó là bài học cho Việt Nam ta sau này vậy. Như thế cái chết của bà Benazir Bhutto thực tế làm cho tình hình Pakistan trở nên tốt hơn về lâu về dài.

Dĩ nhiên sự kèn cựa giữa ba phái còn đó nhưng NATO sẽ phải làm công việc hòa giải giữa các nhóm, thậm chí trong cả các công việc hàng ngày để từng bước đặt Pakistan vào vị thế được cai trị bằng luật pháp, quân đội đứng ngoài chính trị, tôn giáo đứng ngoài chính trị, và giáo dục được nâng cao và các phe nhóm sẽ trở nên khoan dung hơn nhằm cùng nhau đi về phía trước.

Sự thành công ở Pakistan, ở Afghanistan hay ở Irak sẽ dẫn đến các thay đổi ở Iran; các nhóm cực đoan Hồi Giáo Taliban, Al Queda và các nhóm khác cần tìm chỗ để trú ẩn. Bắc Phi và Trung Cộng có thể là an toàn khu cho các nhóm này. Ta hãy chờ xem hồi sau sẽ rõ.

Sự thành công trong toàn bộ kế hoạch này xem ra là khá chắc chắn, sẽ đem lại lợi ích không phải chỉ cho thế giới Hồi Giáo không thôi mà cho cả thế giới. Nhưng dù sao vẫn chả nên lạc quan thái quá vì theo tin mới nhất bộ phận tinh nhuệ của cực đoan Hồi Giáo đã sở đắc nguyên liệu hạch tâm, điều này làm đau đầu hơn 2000 nhà khoa học trên thế giới vì nó dễ dẫn đến cuộc khủng bố bằng bom bẩn nhắm vào quyền lợi của Hoa Kỳ và phương Tây ở nơi nào đó. Nếu một tai nạn như vậy xẩy ra thì tình hình sẽ mau chóng nổ lớn nhưng đó cũng chỉ là tất yếu thôi và được dự liệu rồi. Trên làn sóng này trong thời gian dài đã qua tôi đã lên tiếng cảnh báo ấy về thảm họa như vậy cho nên tôi vẫn đang chờ đón một biến cố đại loại như vậy. Biến cố ấy sẽ làm đảo lộn thế giới và dẫn đến sự thay đổi ở vài nơi khác trên thế giới ngoài Trung Đông.

Phải chăng đó là nền tảng các dự kiến mà ngân hàng Saxo Bank của Đan Mạch hay của tờ Pravda Ru hay tờ Wall Street nêu ra?

CHUYẾN VIẾNG THĂM 8 NGÀY CỦA TT BUSH Ở TRUNG ĐÔNG:

Cuối cùng thì rồi nhóm đa số Shiite ở Irak sau hơn 4 năm kể từ khi Sadam Hussein bị lật đổ và trước áp lực nặng nề của Hoa Kỳ và các quốc gia Hồi Giáo trong vùng như Saudi Arabia, Ai Cập đành phải chấp nhận sự nhập cuộc của nhón Sunni rất thiện chiến tuy thiểu số trong xã  hội Irak nhưng lại là thế lực chính chi phối tình hình Irak trong hầu như suốt chiều dài lịch sử của đất nước này đặc biệt là trong thế kỷ qua. Sự nhập cuộc của Sunni là rất quan trọng trong việc truy quét tàn quân Al Queda đã hình thành trong lãnh thổ Irak cùng với sự tiếp tay của Iran. Có thể đến trên 60% tàn binh Al Queda là những kẻ nhập cư từ các quốc gia láng diềng thậm chí ngay cả ở vùng Bắc Phi thông qua mạng lưới tuyển mộ của Al Queda cùng với sự tiếp tay của một số giáo sĩ cực đoan thuộc thế giới Hồi giáo.

Hai vấn đề đặt ra ở đây: thứ nhất là vị trí của Sunni cần được khẳng định bằng vào hàng loạt các cuộc thương thuyết với rất nhiều bộ tộc hoặc các giáo sĩ Sunni và các cựu đảng viên Baath dưới thời Sadam Hussein để các thành viên của họ hợp tác với chính quyền với sự bảo đảm của phía Hoa Kỳ. Việc này đang tiến triển rất tốt, các cựu đảng viên Baath cao cấp đang được khuyến khích tham gia chính quyền mới để củng cố quân đội Irak trong việc dẹp nhóm Al Queda ngoại nhập. Nhưng hẳn nhiên ngăn ngừa việc tái diễn một chế độ độc tài kiểu Sadam Hussein vẫn là rất cần thiết cho nên quân Mỹ sẽ phải ở lại Irak trong thời gian rất dài là thế.

Thứ hai là thái độ của Iran về tương lai của Irak. Sự cải thiện về mặt an ninh ở Irak sau khi Hoa Kỳ tăng quân chỉ là tạm thời và sẽ chấm dứt mau chóng nếu Iran trực tiếp dính líu vào nội tình Irak. Hiện có đủ yếu tố là Iran không chịu ngồi yên nhất là khi Trung Cộng và Nga đang tiếp súng đạn cho Iran để Iran sẵn sàng cho tình hình nổ lớn như là một mũi nhọn tấn công gián chỉ của Bắc kinh (cả Nga nữa ???) nhắm vào nỗ lực của NATO trong vùng.

Để lâu không được vì khi đó các nỗ lực đã qua là vô nghĩa. Những nhà làm chính sách khôn ngoan và đầy kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế đương đại chắc chắn không để cho một sự việc như vậy xẩy ra được. Nếu xẩy ra thì đó là: “một sự thất bại lịch sử” nói theo Thượng nghị sĩ John Mc Cain cho nên Hoa Kỳ phải bằng mọi giá củng cố thành quả ở Irak và Afghanistan nhưng hai vùng có khác nhau về mặt chi tiết khi thực thi kế hoạch trong thực tế.

Đó chính là nội dung chính yếu trong chuyến viếng thăm 8 ngày đến Trung đông của TT Bush vậy.

Trong 1 năm còn lại ở Bạch cung, ông Bush còn quá nhiều việc cấp bách cần làm, tưởng chừng như ván cờ thế giới đang đến hồi quyết định. Trong 7 năm qua, ông Bush chưa hề đến Trung Đông với sứ mệnh ngoại giao kiểu này, mặc dù nhiều lần ông đến thăm quân Mỹ tại Irak; cho nên chuyến đi này là rất quan trọng và như kinh nghiệm đã chỉ ra: “nếu công tác ngoại giao chưa được hoàn tất với sự thỏa thuận của các đồng minh Ả Rập thì ông Bush chưa thể đến Trung đông nhằm chính thức đóng dấu ấn trên các cam kết của nước Mỹ đối với Do thái, với Palestine, với thế giới Hồi giáo Ả Rập nói chung”. Các cam kết ấy không chỉ đơn thuần là quân sự mà là cả một kế hoạch rất rộng lớn nhằm xây dựng lại Trung đông trải dài từ Địa trung hải tới Nam Á với sự tiếp tay sâu rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi và cả Pakistan. Dĩ nhiên các cam kết ấy có thể đã được chuyển đến cho các nhóm cấp tiến ở Iran để họ yên lòng cộng tác chân thành với các quốc gia Hồi giáo trong vùng với sự bảo chứng của Hoa Kỳ.

Điều này được chứng nghiệm rất rõ vì trước lúc viếng thăm của TT Bush, thì:

1.         Thổ Nhĩ Kỳ tăng quân trong vùng tiếp giáp lãnh thổ Kurk của Irak và Iran (gia tăng bao nhiêu không rõ tin chính thức nói 100.000 quân nhưng thực tế phải hơn có thể đến 150.000). Quân Thổ nhắm đánh lực lượng Kurk ở lãnh thổ Irak mà Hoa Kỳ làm ngơ. (như vậy chi phí cho chiến dịch này là lớn lao, ai tài trợ là câu hỏi và ý đồ chiến lược thực là gì?).
2.         Nga cung cấp cho Iran hỏa tiễn đối không hiện đại S 300, trang bị quân sự của Bắc Kinh không ngừng đổ vào Iran, trong khi các dự tính trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran ít được nói tới.
3.         Cả một chiến dịch tâm lý chiến về mặt chiến lược được tung ra trong hơn một năm qua kể từ khi phúc trình của nhóm nghiên cứu về Irak (ISG) được hoàn tất, cũng như bản ước tính tình báo mới đây đưa ra nhận định là Iran đã ngưng tinh chế nguyên liệu hạch tâm từ 2003.
4.         Các cuộc thương thuyết giữa Iran với Irak tuy có đạt được một số tiến bộ nhưng chỉ là tạm thời nhằm mua thời gian trong ngắn hạn để quân Mỹ tại Irak có thời gian củng cố lực lượng quân sự của Irak và dẹp các nhóm Al Queda mà thôi. Các cuộc thương thuyết trực tiếp giữa Mỹ với Iran cũng chỉ là củng cố cho cuộc thương thuyết giữa chính quyền Maliki (của Irak) với Iran chứ về căn bản cuộc thương thuyết liên quan đến vấn đề an ninh trong vùng cũng như về hồ sơ hạch tâm của Iran thì thực tế không hề xẩy ra. Iran rất muốn điều này nhưng Hoa Kỳ làm ngơ không đả động đến. Đơn giản là chế độ Iran chỉ còn tồn tại trong vài tháng ngày ngắn ngủi mà thôi. Đó là bối cảnh dẫn đến việc 5 tiểu đĩnh của Iran quấy rối 3 chiến hạm Mỹ trong sứ mạng tuần tiễu trong vùng hải phận quốc tế bên ngoài giới hạn 12 hải lý cách bờ biển của Iran.

Qua hành động ấy Iran muốn báo cho Mỹ biết là: họ có thể ôm bom tự sát như đã từng xẩy ra với chiến hạm Cole bên ngoài cảng của Yemen trước đây. Qua đó, ta thấy Iran đang tuyệt vọng thế nào trong ước muốn thương thuyết trực tiếp với Mỹ.

Sự tuyệt vọng của Iran vì bị cô lập trong thế giới Ả Rập, bị hắt hủi bởi các lân bang, bị đe dọa sống còn vì thiểu số Shiite chỉ chiếm 15% trong tổng số người Hồi Giáo, còn lại là đa số Sunni (85%). Kinh tế Iran suy đồi nghiêm trọng, dân Iran đang trỗi dậy bởi các phong trào bất mãn ngấm ngầm đối với nhóm giáo sĩ cực đoan lãnh đạo bởi đồ đệ của Khomeini còn sót lại thông qua lực lượng vệ binh cách mạng Iran hiện bị Hoa Kỳ liệt kê trong danh sách các tổ chức khủng bố và hiện đang vơ vét tài nguyên của Iran (thật giống với Sadam Hussein trước đây) kẻ tuyệt vọng sẽ làm càn, đó là tất yếu lịch sử vậy.

Bằng vào tình hình hiện nay sự chọn lựa của Iran duy nhất chỉ còn là phóng ra một cuộc chiến tranh cấp vùng nhắm vào ba hướng để cố tạo cho Hoa Kỳ và NATO vào thế bị động nhằm thoát vòng vây nghiệt ngã đang siết lại từ từ mà thôi. Ba hướng đó là: nhắm vào Irak với lợi thế nhóm Shiite ở Nam Irak, nhắm vào Afghanistan nơi các bộ tộc sống sen kẽ xuyên qua biên giới hai nước, và nhắm vào Hải và Không quân Mỹ trong vùng. Tình hình hiện nay cho thấy Iran có thể bắn hỏa tiễn vào Do Thái, Saudi Arabia hay Kuwait nơi đặt các căn cứ Mỹ kể cả việc kết hợp với khủng bố trên quy mô lớn nhằm đánh vào quyền lợi của Mỹ và phương Tây trên thế giới.

Sự kiện như vậy xẩy ra sẽ đẩy giá dầu lên 150 US dollars /thùng ngay tức thì, nhưng chính trong thời điểm ấy Iran sẽ tan rã ngay tức khắc khi lực lượng vệ binh cách mạng bị dập nát chỉ trong 48 giờ oanh tạc cùng với hàng loạt các hành động quân sự khác trong vùng sẽ đẩy quân đội Iran là lực lượng hiện bị gạt ra ngoài trung tâm quyền lực của Iran phải đứng lên nắm lấy cơ hội để ổn định tình hình Iran mà không cần phải có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iran.

Đó là cách để NATO, Hoa Kỳ và các quốc gia Hồi Giáo ôn hòa đồng minh của Hoa Kỳ củng cố sự ổn định của Irak, Iran, Libang, Syria, Afghanistan, Palestine để từng bước mở ra một trào lưu mới cho toàn thế giới Ả Rập nói chung. Đó là cơ hội để quân Mỹ có thể rút khỏi Irak một phần có thể khoảng 50.000 vào thời gian 2008. Nhiều người chưa tin nhận định này nhưng ta hãy nghĩ rằng: chả lẽ Hoa Kỳ bán cho Saudi Arabia 20 tỷ dollars chiến cụ kể cả bom tinh khôn mà Do Thái chịu ngồi im sao? Và chả lẽ bán vũ khí như vậy chỉ để biểu diễn hay sao? Nếu Saudi đóng góp 20 tỷ US dollars thì Kuwait góp bao nhiêu, tiểu vương quốc Ả Rập đóng góp như thế nào? Các quốc gia ấy đã được hưởng lợi thế rất nhiều do giá dầu gia tăng trong thời gian qua.

Như thế câu kết luận thật rõ ràng là: thế trận đã xong để ông Bush đến Trung Đông, lực lượng đã tập kết chỉ còn chờ hành động với sự tiếp sức toàn diện của Hoa Kỳ với sự tiếp tay của các quốc gia Hồi Giáo thân hữu.

Ngày N giờ G đang đến gần kế, sự tồn tại của Hồi giáo Iran chỉ còn được tính bằng tháng ngày ngắn ngủi.

IRAK VÀ AFGHANISTAN KHÁC NHAU:

Lật đổ chế độ giáo quyền ở Iran mới bảo đảm thành quả ở Irak và Afghanistan, mới tạo nền tảng để dân chủ bén rễ sâu rộng trong thế giới Hồi giáo và giải quyết tận gốc rễ các các mâu thuẫn trong thế giới Hồi giáo nói chung. Các quốc gia này có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng con người thì dễ bị mê hoặc bởi các khái niệm rất sai lạc về giá trị làm người nên các giá trị đạo đức theo nghĩa hiện đại chưa hề có cơ hội hình thành và củng cố trong lòng các xã hội ấy. Thế giới hôm nay đây với các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhảy vọt cho phép một bộ phận nhân loại tiên tiến phải mạnh dạn lãnh nhận trách nhiệm trước nhân loại nhằm củng cố và xây dựng các giá trị phổ quát của con người hiện đại vào trong lòng các xã hội chậm tiến về mặt tinh thần ấy.

Nhưng tình hình ở Irak và Afghanistan có vài khác biệt. Afghanistan với Pakistan thuộc Nam Á Châu đầy phức tạp với ba thế lực lớn bao quanh là Nga ở phía Bắc, nước Hán ở phía Đông và Ấn Độ ở phía Nam. Pakistan đang là an toàn khu của tàn binh Taliban và Al Queda có vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo cho nên việc giải quyết vấn đề Pakistan có liên hệ với Afghanistan lại là một vấn đề Ấn - Hồi chứ không phải chỉ là vấn đề Hồi Giáo Trung Đông không thôi như Irak. Cho nên khi Trung Đông đi vào ổn định hơn nhờ việc lật đổ chế độ Iran thì Afghanistan chưa thể ổn định ngay được nếu so với Irak mặc dù tình hình ở đó có cải thiện nhưng chậm, ấy là chưa kể đến việc là nhóm Al Queda sẽ gia tăng phá hoại Afghanistan.

Để chuẩn bị cho cuộc cờ trong vùng nên Hoa Kỳ và NATO đã tái phối trí lực lượng khi chia chiến trường Irak cho Lục quân đảm trách, chiến trường Afghanistan được giao cho Thủy quân lục chiến. Vấn đề truy đuổi tàn binh Taliban và Al Queda vào sâu trong lãnh thổ Pakistan là tất yếu xẩy ra, cho dù hiện nay trước ngày bầu cử ở Pakistan với sự tham dự của đảng PPP do con bà Bhutto lãnh đạo với đảng Hồi giáo do Nawar Sarif lãnh đạo được dự trù vào tháng 2 năm 2008 này thì ông Musharaf vẫn một mực tuyên bố là không có vấn đề quân Mỹ vào Pakistan. Nhưng chỉ vài tháng nữa thôi việc ấy tất yếu ấy sẽ xẩy ra.

Điều này sẽ làm cho Pakistan có vẻ bất ổn hơn đôi chút trong thời gian không quá lâu nhưng cần thiết đối với nước Pakistan. Nước Pakistan cũng chỉ có thể ổn định được nhờ vào sự can thiệp từ bên ngoài như nỗ lực chính yếu thúc đẩy cải cách từ bên trong mà thôi, phi điều ấy Pakistan không thể ổn định và kho vũ khí nguyên tử của Pakistan sẽ trở thành mối lo canh cánh bên lòng đối với thế giới.

Dù sao thì sự ổn định ở Pakistan sẽ đến chậm hơn so với Irak vì đây là vấn đề có tính cách Châu Á nhiều hơn là Ả Rập vì quân NATO xâm nhập Pakistan thì chiến tuyến nay được đẩy đến sát nách nước Hán, trong vùng biên giới của nước Hán, nơi rất yếu kém về mặt phòng thủ và tiếp vận. Khi nước Hán phải tăng cường quân lực ở đây thì áp lực ở vùng khác phải bị giảm thiểu đi.

Nước Hán tứ bề thọ địch là vậy nhưng phải chờ xem nước Hán sẽ làm gì? Cuộc cờ Á châu Thái Bình Dương sẽ diễn biến cụ thể ra sao trong các năm tới đây sẽ là câu hỏi lớn. Xin xem hồi sau sẽ rõ.

THẾ GIỚI Ả RẬP RỒI SẼ RA SAO TRONG 50 NĂM TỚI:

Nói 50 năm là quá lâu so với đời người nhưng chỉ là khoảng khắc đối với lịch sử mà thôi. Nên người suy nghĩ về chính trị không thể không có viễn kiến chẳng phải chỉ cho 50 năm mà còn phải lâu dài hơn thế nữa mới được vì đối với một quốc gia thì nhiều kế hoạch phải được thực hiện trong đường dài. Xã hội càng hiện đại càng tiến bộ thì việc nhìn xa về tương lai càng trở nên khẩn thiết hơn hẳn so với quá khứ khi lịch sử mỗi dân tộc chỉ là lịch sử của các tranh chấp nội tại hoặc song phương mà thôi. Ngày nay chỉ sơ xuất nhỏ có thể gây đổ vỡ lớn trên phạm vi toàn cầu nên kế hoạch gì đi nữa cũng phải đắn đo cân nhắc thật cẩn trọng mới được. Ngoài ra còn phải biết nhập vai để biết thật rõ ràng về ý đồ thực của các bên liên quan để mà dự trù các kế sách dự phòng và để biết hướng đi của thế giới. Cụ thể ở đây là kế hoạch toàn cầu:

Không biết kế hoạch toàn cầu thì chỉ là kẻ mù sờ voi mà thôi.

Như thế kế hoạch toàn cầu sắp xếp cho Trung đông là gì?

Ông Tổng Thống Bush khi đến Trung đông đã lên tiếng nhiều lần tố cáo Iran là chứa chấp khủng bố và đe dọa sự ổn định trong vùng. Ông làm y như là ông đến đó chỉ để nói về mỗi một vấn đề ấy không thôi vậy.

Điều ấy để lộ cho thấy về việc giải giáp Iran là rất gần có thể không quá 6 tháng. Các ước tính như vậy là thực tiễn xét về sự chín mùi của tình hình. Công của các nhà tình báo, ngoại giao, quân sự và công nghiệp Mỹ trong cuộc cờ lớn này thực không nhỏ nhằm chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng Thống Bush đến vùng Trung Đông.

Đường nào cũng tới La Mã cả nhưng tới La Mã rồi làm gì ở La Mã mới là vấn đề quan trọng. Đem dân chủ tới Hồi giáo Trung Đông là một mệnh lệnh của con tim nhưng xây dựng lại thế giới Hồi Giáo về mọi mặt còn là một tính toán đầy trí tuệ nữa. Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy thế giới Hồi Giáo từng bước thích nghi với đà tiến chung mà không gây ra các phản ứng phụ. Cho nên, tiến quá nhanh về phía trước sẽ tạo ra tình trạng bị quá liều lượng, tiến quá chậm sẽ bị coi là nhu nhược dễ dẫn đến đổ vỡ trong tình hình đầy mong manh trong các năm sắp tới đây.

Đã có người nói với tôi rằng: Do Thái sẽ đánh Iran. Câu trả lời của tôi là Không, vì Do Thái cuối cùng rồi phải sống với láng diềng Ả Rập nên Do Thái không thể đánh Iran được vả lại Không quân Do Thái không thể đánh đường dài được và nếu Do Thái làm việc ấy thì liệu Do Thái có đủ sức để ổn định Iran không? Và chỉ làm chia rẽ trong đồng minh Trung Đông - Hoa Kỳ mà thôi, khi ấy cái giá phải trả là khôn lường. Thất bại là cái chắc.

Có người đã nói với tôi rằng: Do Thái sẽ đánh Syria như hồi 1967 vậy. Câu trả lời của tôi là Không. Vì tình hình 2008 không phải là 1967 trong cao điểm của chiến tranh lạnh.

Do Thái chỉ duy nhất có thể tung ra cuộc chiến phòng vệ mà thôi, như cuộc chiến Nam Libang mới đây vậy. Họ không được phép và chả dại gì tung ra cuộc chiến tấn công để chiếm đất dành dân kiểu cũ được nữa. Cho dù họ vẫn được yểm trợ hết mình từ Hoa Kỳ để bảo đảm trong đường dài về an ninh của họ. Nhưng với bảo đảm từ Washington, Do Thái tất yếu phải tương nhượng với Palestine mà thôi. Mọi việc cũng chỉ xẩy ra trong năm 2008 này để lâu không lợi gì cho ai cả.

Các vấn đề Syria và Libang là các vấn đề nhỏ trong vùng, vấn đề Iran mới là chính liên hệ đến an ninh cho Trung Đông. Như thế sự tan rã của chính quyền Iran rồi ra sẽ dẫn Trung Đông đến đâu? Trước hết và trên hết là vào khoảng tháng 8 năm 2008 quân Mỹ có thể rút bớt khỏi Irak khoảng 50.000, thứ hai là bình minh sẽ ló dạng ở Trung Đông, giá cả một số mặt hàng chủ yếu sẽ giảm xuống để cứu vãn kinh tế thế giới trong tạm thời để đặt điều kiện căn bản cho một Trung Đông: ổn định hơn là chắc chắn, dân chủ hơn là chắc chắn, nhân quyền hơn là chắc chắn, phát triển hơn là chắc chắn nhưng mâu thuẫn giữa Sunni và Shiite vẫn còn tồn tại sờ sờ ra đó, nên quân Mỹ và NATO phải có mặt trong vùng lâu dài nhằm giữ vị trí răn đe, điều giải, để củng cố các khái niệm mới liên quan đến giáo điều Koran và hình thành một trật tự mới cho thế giới Hồi Giáo theo đó: Đạo đời tách biệt và chả ai có thể vượt qua Hiến pháp và Luật pháp cả.

Tình hình như vậy đòi hỏi phải tốn ít nhất là 50 năm cho đến khi một lớp dân Trung Đông mói được tạo dựng qua giáo dục, luật pháp và với một chính quyền đại diện cho toàn dân thật sự. Lúc ấy mâu thuẫn giữa Sunni và Shiite mới triệt tiêu từ từ để mở đầu cho một trào lưu mới nhằm kết hợp những người Hồi giáo Trung Đông lại với nhau trong một liên bang Hồi giáo Trung Đông trải dài từ bờ Đông Địa Trung Hải đến tận Pakistan để hình thành một cơ cấu lãnh đạo khu vực trong cơ quan lãnh đạo toàn cầu như đã dự kiến (xin xem các bài viết trong website Nationalist Vietnamese Forum.com).

Dù khó khăn vẫn còn hiển hiện nhưng ta có đầy đủ dữ kiện để tin điều đó, khi ấy trong vòng không đầy 50 năm nữa, người Hồi giáo sẽ biết cám ơn Hoa Kỳ vì tất cả những gì mà Hoa Kỳ làm cho thế giới hôm nay và ngày mai vậy.

Dĩ nhiên còn vấn đề khác như Bắc Phi, Đông Nam Á, hay Nam Mỹ chẳng hạn. Tại Nam Mỹ thì Brazil đang nổi lên như là một đại diện cho vùng này trong Ban lãnh đạo toàn cầu mà đang từng bước hình thành. Các vấn đề như Đông Nam Á hay Đông Bắc Á sẽ bàn đến ngay khi tình hình cho phép vì trong 4 năm tới đây Á Châu còn phải chứng kiến nhiều đổi thay quan trọng khi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đi vào mạt vận như sấm ký Lưu Bá Ôn hay Trạng Trình đã nói.

ÔNG JOHN MAC CAIN VÀ CUỘC BẦU CỬ ĐẦY KỊCH TÍNH NĂM 2008

Tổng Thống Bush vẫn còn 1 năm trong vai trò Tổng Tư Lệnh quân đội Mỹ, ông vẫn toàn quyền hành động nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra như là nhiệm vụ chính trong hai nhiệm kỳ Tổng Thống của ông.

So với 8 năm của ông Bill Clinton thì ông Bush phải đối đầu với các thách đố vô cùng lớn lao nhưng đầy vinh quang. Kể từ 2003 khi chiến dịch Irak khởi sự cũng là lúc mà ông Bush phải chịu nhiều chỉ trích vì sai lầm trong cách điều binh khiển tướng. Nhưng với nhũng ai am tường tình hình thế giới thì: ông Bush chả sai lầm gì cả! Đó là các sai lầm cố ý vì Irak sau Sadam Hussein cần thời gian để họ phải trả giá cho sự phân hóa trong xã hội Irak nói chung và Hoa Kỳ cần thời gian để thống nhất ý chí các đồng minh trước đe dọa mới (các đe dọa ấy cũng cần thời gian để hình thành) kể ra chỉ cần 5 năm từ khi Sadam Hussein bị lật nhào, mức thiệt hại của quân Mỹ tại Irak là trong vòng kiểm soát được và các sự sắp xếp với các quốc gia khác như vậy là quá nhanh chả có gì phải phiền trách cả.

Một năm còn lại trong nhiệm kỳ Tổng Thống, ông Bush nay không cần quá ưu tư với các vấn đề quốc nội thậm chí cả vấn đề kinh tế suy thoái đang trở nên là chủ đề tranh cãi trong xã hội Mỹ, ông Bush sẽ tập trú vào các vấn đề Trung Đông trong khi vấn đề suy thoái kinh tế rồi ra sẽ được hướng vào nước Hán như là kẻ đã gây ra suy thoái tại Mỹ và thế giới trong vài năm sắp tới.

Ta cần lưu ý là trong nhiều bài phát biểu tại Trung Đông, ông Bush luôn nói rằng: Hoa Kỳ và các quốc gia thân hữu chia sẻ một viễn kiến chung. Và như vậy từ viễn kiến chung đến chỗ có một giá trị chung đòi hỏi thời gian dài đầy gian khổ. Rốt cuộc thì rồi chỉ trong năm 2008 này thôi, ông Bush sẽ thực sự hoàn thành trách nhiệm và sẽ đi vào lịch sử như là một Tổng Thống lớn của Hoa Kỳ mà xét cho cùng ra thì ông Bush là người đại diện cho thế hệ cha ông và nhiều vị khác trong âm thầm đã không ngừng đóng góp vào việc lớn lao này cho Hoa Kỳ và thế giới.

Điều này đặt ra câu hỏi là: vậy ai sẽ là Tổng Thống sắp tới của Hoa Kỳ?

Chỉ một vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ John Mc Cain đọc diễn văn tại Viện Đại học Standford đưa ra viễn kiến về thế giới trong tương lai, thì chúng ta nếu nhạy bén, và nghe được bài đọc này, ta có thể tiên đóan được rồi, nhưng mãi mới đây tôi mới có nguyên bản văn ấy nên đã dịch ra tiếng Việt để gởi đến bạn đọc.

Quan điểm của tôi tương đối rõ ràng và minh bạch là: tùy việc mà chọn người. Tình hình thế giới hiện nay và tương lai 4 năm tới đây, Hoa Kỳ cần một Tổng Thống như ông Mc Cain mới được. Trong gần 30 năm ở Thượng viện, ông am tường nhiều vấn đề quốc tế và quốc nội và tìm cách giải quyết các vấn đề ấy theo cách thực tiễn rất Mỹ. Ông trung thành với các nguyên tắc của Hoa Kỳ, của cá nhân và là anh hùng trong cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến rất hào hùng nhưng đầy nghiệt ngã đối với bất cứ ai đã tham gia cuộc chiến ấy. Ông rất xứng đáng để được vinh danh như là sự gián tiếp vinh danh các chiến binh đã tham gia cuộc chiến ấy nói chung.

Thực ra thì trong các cuộc vận động tranh cử, không một ứng cử viên nào được phép đưa ra các viễn kiến như ông John Mc Cain đã làm, dường như đó là một cam kết bất thành văn thì phải. Dù sao thì ông Mc Cain đã làm việc ấy nhằm đề cao chính nghĩa của Hoa Kỳ đối với thế giới, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, Bà Madelaine Albright cựu ngoại trưởng dưới thời Bill Clinton dù có phát biểu theo nhãn quan đảng Dân Chủ nhưng cũng đã chánh thức nói đến điều mà ông Mc Cain đã nói đó là: “tin tưởng vào tương lai”.

Nếu so sánh với đảng Dân Chủ khi đưa Obama và Hillary Clinton để so sánh với John Mc Cain thì rõ ràng là hai vị này biện thuyết hay hơn, hùng hồn hơn ông John Mac Cain nhưng họ thiếu kinh nghiệm. Các vị ấy được đề cao vì nước Mỹ đang rất cần các biểu tượng nhắn gửi với thế giới Hồi giáo và Châu Phi về sự bình đẳng, cơ hội trong xã hội Mỹ.

Thực ra thì bất cứ một ứng cử viên ở bất cứ hệ cấp nào đều phải trải qua nhiều sát hạch bởi các cử tri lãnh đạo là những người thực sự am tường tình hình trong phạm vi mà ứng cử viên ấy đại diện. Các sự sát hạch này nghiêm khắc đến đỗi ngay cả các hệ thống truyền thông nếu vô tình đặt câu hỏi không đúng và người được đề cử trả lời sai là bị loại ngay không thương tiếc. Điều đó đã để lộ cho thấy sự nghiêm túc trong trách nhiệm của chính quyền với toàn dân, cho nên cử tri Mỹ tuy mỗi người mỗi lá phiếu nhưng cử tri lãnh đạo khác hẳn với cử tri thường. Khi cử tri lãnh đạo đã thuận thì khối cử tri còn lại sẽ theo thôi (theo đúng tính bầy).

Tổng Thống Mỹ khác với bất cứ chức vụ dân cử ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ông ta ngoài chức vụ chánh thức của nước Mỹ còn là chủ tịch chấp hành trong thực tế của quyền lực toàn cầu nên các vấn đề quốc tế chi phối trong thực tế việc lựa chọn một Tổng Thống cho nước Mỹ. Dĩ nhiên các vấn đề ấy được lồng vào trong các vấn đề của nước Mỹ nên phải rất nhạy bén mới thấy được.

Nhiều người trong chúng ta biết người Mỹ nói gì nhưng mấy ai hiểu được thực sự họ muốn ám chỉ gì khi nói trong chỗ công khai. Hiểu thấu được các uẩn khúc ấy đòi hỏi một sự lịch lãm lắm mới được.

Ai cũng biết là Đảng Cộng Hòa đang bị tai tiếng về cuộc chiến Irak nhưng đảng Cộng Hòa vẫn phải tiếp tục công việc cần làm và cặp bài trùng John Mc Cain với Joe Lieberman là cặp tốt nhất để lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới. Nếu nói rằng đảng Cộng Hòa thắng trong cuộc bầu cử tới thì cũng chỉ đúng 50% thôi. Cặp bài trùng này thực ra là một kiểu hành pháp lưỡng đảng Cộng Hòa - Dân Chủ nhằm tiếp nối công việc mà ông Bush mới làm được có 50% đối với kế hoạch bình định thế giới mà Hoa Kỳ đề ra.

Bây giờ đây Tổng Thống Mỹ sau 4 năm tới có thể đã được dự kiến rồi.

Đó cũng là cái nghiệp cứ theo tôi hoài dứt chẳng ra.

KẾT LUẬN: trước 1975 dân quân cán chính VNCH có chính quyền trong tay nhưng không được phép biết về tình hình thế giới. Biết thực thì im lặng là tốt nhất, nếu vọng động là toi mạng. Hôm nay ta không có chính quyền trong tay nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại và một số người trong nước qua internet được thông tri rất đầy đủ và cập nhật mới nhất về tình hình thế giới. Biết xử dụng thông tin ấy đến mức nào là tùy theo người đọc. Qua bài viết này có thể tôi đã đi quá xa với các diễn biến của tình hình mà người cầm bút được phép làm, nhưng vì tấm lòng với dân tộc và con người, nếu có gì không đúng xin thứ lỗi.
Thực ra thì nếu không có bài viết của ông John Mc Cain và chuyến viếng thăm Trung Đông vừa qua của Tổng Thống Bush, tôi chưa viết về chủ đề này và vẫn im lặng ngồi chờ. Giờ đây, có nói tới có lẽ cũng không sao vì các phía liên hệ chả còn kịp để phản ứng nữa.

Tôi chỉ làm việc là mở rộng các nguyên tắc mà ông John Mc Cain đã đề ra mà thôi, chẳng hơn chẳng kém cho dù giữa ông John Mc Cain và cá nhân tôi chưa hề một lần giáp mặt nhưng thấy đúng thì phải nói. Đó là trách nhiệm trốn cũng chả được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét