Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Kinh dịch linh thể - Kỳ 7

VII. Hà đồ Lạc thư trước tình trạng triết lý hiện đại
1. HÀ ĐỒ
Hà Đồ và Lạc Thư là những thực thể văn hóa xuất hiện hoặc bên ngóai Kinh Dịch, hoặc từ Kinh Dịch nhưng về sau đã được thâu nạp vào Kinh Dịch cách thẩm thấu đến nỗi ngày nay ta không còn ngần ngại coi đó như phần căn bản của kinh Dịchvà nó biểu thị các chiều kích của tâm thức conngười. Nhưng chiều kích đó chỉ là những trạng thức khác nhau của cùng một thực thể duy nhất, cho nên ta có thể học về Hà Lạc hai lối: một là trực giác hai là phân tích. Trước hết là lối trực giác như của các vị hiền triết nhìn bao trùm tất cả mọi trạng thức của một thực thể tâm linh. Khi nhìn theo lối Viên Dung này thì 4 vòng Hà Đồ biểu thị con đường xóay ốc dẫn về Đạo thể, tức là đi lên với Tòan thể, phần nào tương đương với con đường đã diễn đạt trong quẻ Kiền với 4 hào
Hào 2 tương đương với vòng thành (vòng ngoài cùng)
Hào 3 tương đương với vòng sinh
Hào 4 tương đương với vòng hộ pháp
Hào 5 tương đương với vòng đạt Đạo.
Điều kiện thiết yếu để các vòng trở thành con đường liên tục đi lên để đạt Minh đức là phải nhìn trong mối liên hệ của tòan thể, cũng gọi được là cái nhìn tổng quan phổ biến.
Nhìn theo lối này thì vòng ngoài cũng gọi là vòng thành vì kép bởi các số thành 6, 7, 8, 9 và biểu thị vạn vật đã hiện ra hình tích cụ thể, làm đối tượng được cho tai mắt, cho giác quan, nó là đợt đi ra đến cùng cực của đa tạp và vâng theo luật tất định của khoa học tức là những luật tắc thuộc toán lý, hóa, sinh v..v… Người ta thường cho đó là những sự vật tuyệt đối, nhưng triết gia lại cho đó là tương đối, nghĩa là đối với vòng 2 trong.
Vòng 2 chỉ đợt sinh vì gồm những số 1, 2, 3, 4 tức là các linh tượng của từng giống loại. Gọi là linh tượng vì nó không còn hiện racho giác quan và phải có “con mắt thứ ba” mới “nhìn” ra được. Có “nhìn” ra được linh tượng mới đi đến “tổng hợp” hay nói theo Kinh Dịch là đi đến “hội thông” (trời, đất, người mà trong Hà Đồ biểu thị bằng vòng cuối cùng là số 5).
Vòng 3 gồm hai hàng số 5 điểm đen có thể nói là nhất âm đối với nhất dương là số 5 điểm trắng vòng 4. nhất âm đây hiểu là hạn từ tiêu cực hay là tiềm thức hoặc vô thức mà nếu chưa hiểu thì không đi đến được vòng 5 điểm trắng chỉ siêu thức. Việc thấu hiểu biểu lộ bằng sự chấp nhận. Thường ai cũng chấp nhận chiều tích cực như: xây dựng, sướng, vui ve, sống động… Nhưng rất ít người chấp nhận được khía cạnh tiêu cực như: phá đổ, khổ sầu, chết, tĩnh v.v… gọi là mệnh; không chấp nhận vì chưa hiểu được rằng đó chỉ là mặt khác của cùng một thực thể. Thực thể tự thân là sự quân bình giữa âm và dương, giữa động và tĩnh, giữa sống và chết. Nên chỉ khi nào nhận thức ra được mối quán thông đó thì mới tiến lên vòng 4. vì thế đây là chỗ bắt buộc phải dứt bỏ lý trí ý thức đế “dược tại uyên” nghĩa là nhảy vào hố thẳm của tâm hồn, nhảy tới tận bờ cõi của vô thức để xóa bỏ hết mọi giới hạn do cái tôi ý thức đạt để, do lý trí phân chia cắt mảnh ra. Có vượt qua hàng rào này mới đạt tới đợt tối hậu là vòng 4.
Vòng 4 có thể gọi là siêu thức nghĩa là đi xuống đến cùng tột để đạt thế quân bình với vòng 3 đi lên đến cùng cực. Nhờ sự quân bình đó nó trở nên Đạo Thể Viên Dung sung mãn bao gồm tất cả mọi khả năng con người đã được đưa tới chỗ nảy nở tận mức mà Nho giáo quen gọi là chỉ thành, nên vòng 4 này được biểu thị bằng thập tự nhai mà căn tính là trung tâm lan tỏa tới khắp chu vi. Điều này được diễn tả bằng nét ngang chỉ không gian và phi không gian còn nét dọc chỉ thời gian và phi thời gian. Ap dụng vào con người thì có thể coi đó như sự len lỏi của ý thực cá nhân vào trong tâm thức vũ trụ, làm cho cái vô hạn xuất hiện trong cái hữu hạn, thường hằng nhập thể vào thời gian, vô hình ở trong hữu hình… Cho nên người nào đi tới đây cũng đạt tận cùng của lối về với Nhất thể, cũng gọi là đạt nguồn sống vô biên của vũ trụ, và cùng với vũ trụ tham dụ trong một tiết nhịp uyên nguyên của cái tâm thiên địa, đặng tiếp nhận những luồng sáng soi đầy sức linh động tràn qua, mênh mông bất tận. Đấy là nơi mà Heidegger muốn gọi là Sein, có thể dịch là Hữu Thể, Tiềm Thể, Tính Thể. Còn Đông phương gọi bằng Nhất thể, Đạo thể, nhân tính… nhưng không tên nào bao quát hết nội dung. Tuy nhiên chữ Nhất thể đáng chú ý khi chúng ta nhìn theo chiều hướng “kỷ dịch” và phải viết là… nghĩa là bổn gốc của người sơ nguyên. Có thế mới đạt đựơc thần, mà thần vô phương nên không lệ thuộc vào nơi nào, để có thể không đâu không ở, để làm chủ được dịch lý. Hãy mượn câunói sau của Thiệu Khang Tiết khi giải nghĩa câu “thần vô phương nhi dịch vô thể” để diễn tả ý đó như sau: “thần giả dịch chi chủ dã, sở dĩ vô phưong. Dịch giả thần chi dụng dã, sở dĩ vô thể…. Trệ vu nhất phương, tắc bất năng biến hóa, phi thần dã, chữ hán”: thần là chủ của Dịch nên phải vô phương. Dịch là dụng cụ của thần nên phải vô thể. Vì nếu ngưng trệ vào một phương nào liền hết khả năng biến hóa, mà đã không biến hóa thì không phải thần nữa rồi.
Nói thế có nghĩa là học triết lý hay học Kinh Dịch mà không đạt đựơc cái thần, thì không đạt được triết, cũng không hiểu đựơc Kinh Dịch. Bao lâu còn chấp duy lý, thì cái lý đó rút nhỏ tầm nhìn lại không cho thấy được cái Tòan thể. Nhưng không may đó lại là sự thường xảy tới, nên chúng ta phải xét qua Hà Đồ theo kiểu nhìn thứ hai là lối nhìn rời rạc nhị nguyên, cắt xén.
2. HÀ ĐỒ XÉ LẺ
Lối nhìn thứ hai là phân tích lý luận, hòan toàn bằng ý thức. Đây cũng là một lối trở về song đầy cam go mò mẫm và đầy nguy cơ ứ trệ, nhưng nó lại là lối nhìn thông thường hơn hết, nên chúng ta cần đem ra áp dụng vào tình trạng triết học hiện đại. Nhìn theo lối phân tích này Hà Đồ cũng vẫn là con đường xoáy ốc đi về Nhất thể, nên nó cũng cần thiết trong diễn trình tiến hóa của con người vì nó là lối tán cần để quân bình cho lối tụ. Tuy nhiên lối tán vì y cứ trên giác quan và ý thức, nên con người dễ hướng theo đến độ làm mất quân bình, nên không nhận ra được Nhất thể, bởi đó là cái nhìn bị chia cắt ra nhiều đoạn, thiếu biến thông và trở thành những nền triết học què cụt và đầy rao động đại khái như sau:
Trước hết là cái vòng ngoài cùng với số thành chỉ những vật đã hiện ra hình tướng khả giác. Nhìn theo lối phân tích thì đó là những sự vật cá biệt cái này khác cái kia, và không có liên hệ với nhau chi hết, hơn thế còn đối kháng tiêu diệt nhau. 6 lửa diệt 7 nước, 9 kim khắc 8 mộc v.v… và mọi người thường chỉ thấy được có vậy, vì hầu hết chỉ biết có cái nhìn cắt khúc, phần mở và bì phu ngoại diện này, nếu không đựơc học tập đúng đường thì đều dừng lại ở đợt ấy đến nỗi cả các triết học gia cũng dừng ngay ở những dữ kiện do tai mắt cung cấp để kiến tạo triết thuyết. Cái tiêu chuẩn của họ là sự hiển minh khách thể (évidence objective) nghĩa là họ y cứ trọn vẹn trên các vật thể y như kiểu đám đông vì thế các triết gia đó thật ra chỉ có lời hay ý đẹp kết cấu mạch lạc, còn trong thực chất thì cũng xuôi theo cùng dòng với cái nhìn hàng ngang của đám đông: chia cắt ra từng vật bé nhỏ. Những triết học kiểu đó thì bên Viễn Đông là Mặc Địch, là Hàn Phi Tử v.v… Bên Tây Au là Platon, Aristote, Descartes… Tuy mấy ông này có vượt xa Mặc Địch về tư tưởng được kiến tạo nguy nga, lại có đựơc nhiều câu “minh triết” nhưng những câu này quá ít và nhất là được đưa vào cách vô thức nên không đủ tác động vào cái cơ cấu chung có tính chất lý trí. Nếu như có ý thức thật thì một đôi lời minh triết (hiểu là thuộc đợt tâm linh) đủ làmrung chuyển và biến tính tất cả hệ thống chứ không để nó y nguyên trong bình diện lý trí nhị nguyên như vậy. Có lẽ Bachelard cũng hé nhìn thấy thế khi ông viết “une notion dialecticsiséc fait chanter toute la nature” mà ta tạm dịch rộng rãi cho tác giả rằng: “một ý niệm hiểu cho tới thâm sâu đủ gây âm vang vào cả một hệ thống”. Bachelard đã hiểu được như câu dịch chưa? Dầu sao thì cho tới nay các triết học Tây Au đều bị mắc vướng trong cái nhìn một chiều, đồng nhất, độc khối mất ý thức về nét gấp đôi. Nhiều người hay trích từ Aristote, Platon, Kant một số câu để giải nghĩa có lợi cho họ, hầu như không kể chi đến hệ thống chung của họ còn nằm chình ình trong lý trí nhị nguyên. Chính bởi cái nhìn toàn khối đó mà tôi bảo những lời minh triết gặp được nơi họ tòan là đưa vào cách vô thức: bởi vì nó đã không lay chuyển đổi hướng được cái hệ thống chung của họ vẫn còn nằm xuôi theo cùng dòng với cái nhìn hàng ngang của đám đông nằm trọn vẹn trên cùng một bình diện với lương tri nhìn sự vật ly cách không sao liên lạc được để làm thành một triết lý cơ thể. Đây là giai đoạn triết học cơ khí, triết học đối vật (objectivisme), hoàn toàn vắng bóng chủ thể, vắng bóng con người.
Vòng 2 gồm các số sinh mà khi ta xem tách rời khỏi toàn thể thì chúng biểu thị những nền triết học bàn về chủ tri với lý trí ý thức tức là vẫn còn thiếu phần tâm linh (tiềm thức, siêu thức) nên rất trừu tượng và chúng ta có thể gọi đó là triết học duy chủ tri (subjectivisme) nó phản động lại với triết lý duy vật (objectivisme) ở vòng một. Ở vòng hai này là một cuộc cách mạng của Descartes hay Kant, hoặc biện chứng pháp của Hegel, hay duy vật biện chứng của K.Marx, hoặc cơ cấu học của Lévy Strauss căn cứ trên từ ngữ hay Michel Foucault với óc điện tử… Nhưng đó cũng chỉ là bấy nhiêu giẫy giụa bất an trong cái vòng siêu hình thóat xác, không sao vượt khỏi bình diện cá thể, có tính chất duy hiện tượng của vòng nhất, và do đó chưa có gì gọi được là hàng dọc vũ trụ tâm linh cả. Kant bảo rằng có sự vật tự thân (noumen) nhưng lại cho là bất khả tri. Đến các người sau như Hegel tuy có nói đến Thần nhưng cũng là thần trừu tượng lý trí nghĩa là còn trên bình diện hiện tượng hàng ngang, chưa nhìn ra nhân tính. Hơn thế nữa ngay đến những người hiện sinh hoặc hiện tượng luận với những tuyên bố về nhân bản, về lập trường chối bỏ nhị nguyên duy lý, để đi vào cuộc sống thực của con người, đi vào kinh nghiệm thẳng… kèm theo những lời đề cao nguyên lý bổ túc hỗ tương, thẩm thấu v.v... Nhưng cuối cùng cũng vẫn còn trên bình diện lý trí suông, chưa đi đến vòng 3 vô thức. Mộot hai câu nói ăn mày mà trúng cũng chỉ do lương tri. Càng tổ đánh lừa những triết học gia thiếu tâm hồn triết.
Vòng 3 biểu thị cho giai đoạn tiềm thức hay vô thức. Đây mới thật là giai đoạn xả, giai đoạn lơi ra khỏi cái nhìn lý trí ý thức dán lên cá vật phân ly: bởi vì có từ giã hay lơi ra khỏi lý trí bằng việc làm (kiền kiền) hoặc bằng đôn hậu tình cảm và tiềm thức (tịch dịch nhược lệ) hoặc bằng thanh tĩnh vô vi (dược tại uyên). Nói khác dùng những phương thức khác với ý thức lý luận bao giờ cũng bằng ngôn từ. Muốn đi ngược lý trí hay lơi ra phải có những phương thế vô ngôn tức bên ngoài ngôn từ. Đấy là một chân lý rất quan trọng nhưng không được nhìn nhận nên biết bao triết học tuyên dương nguyên lý bổ túc, tương liên, tương nhập, đả phá nhị nguyên và óc độc chiếm om sòm… mà kỳ thực đó cũng vẫn là những triết lý nhị nguyên chính hiệu. Cho nên muốn nói đến cách chân thực về bổ túc, về hòa hợp thì phải có phương thức đi kèm, mới thực là bước vào đợt 3.
Khi bước vào đợt 3 thì tất cả ý thức, lý trí với đối tượng của nó là các cá vật như vỡ lỡ, tan ra hư vô hết. Tâm thức như không còn chỗ dựa, nên cảm thấy ở bên trong một trạng huống cô đơn, kinh lạ, như người bỗng bị đẩy ra trước vực thẳm, để đột nhiên đối diện với sự hư vô trống rỗng toàn triệt, cho nên gây ra một sự hoang mang rao động như chưa từng thấy trong cõi hiện tượng.
Nói chung đây là giai đoạn đáng sợ nên gọi là vòng hộ pháp vì khi nhìn hai hàng 5 chấm đen, tôi liên tưởng ngay đến hai ông Hộ Pháp có vẻ mặt hung tợn thường được dựng trước cửa chùa để ám chỉ rằng người nào muốn “nhập ư thất” tức muốn đạt Đạo thì phải trải qua một giai đoạn thử thách cam go, đòi hỏi rất nhiều ý chí dũng mãnh và can trường nhu để nhảy vào hố thẳm: dược tại uyên. Các nhà huyền niệm quen gọi đó là đêm tối (Jean La Croix), là “vô cực” (Lão Trang) là thái hư (Phật). Vì ở giai đoạn này tâm hồn phải vượt thời gian với các vật thể hữu hình, để đi vào miền xa lạ vô hình, nên phải trải qua những trạng thái cô tịch âm u mà hành giả nào cũng phải gặp trước khi đạt miền ánh sáng ở vòng 4. Trước khi vào điện Giao Quang thì Từ Thức còn phải chờ lâu trong trạm Quỳnh Hư. Đó là điểm thông lệ. Điều đáng phiền là khuynh hướng nằm lỳ tại đây và đề cao điện Quỳnh Hư này, vì lúc đó nếu không rơi vào chủ thuyết hư vô thì cũng nằm lỳ lại đợt vô vi u tịch, nghĩa là “thầy” cái vô biên mà không phải vô biên trong hữu hạn (L’infini dans le fini).
Trạng thái này hiện đang lan tràn bên Au Mỹ nên chúng ta cần bàn rộng hơn. Hư vô mặc rất nhiều hình thái, trước hết là phần lớn các nhà huyền niệm mà Tây Au quen gọi là duy huyền niệm (mysticisme). Vũ trụ của họ làm bằng những ảo ảnh, hiện ảnh và hay tràn ra ngoài bằng những cơn ngất trí “xuất thần”. Phần nào đó cũng là con đường của một số Đạo sĩ phương Đông bỏ xã hội lên núi rừng tìm thuốc trường sinh với non tiên nước nhược. Kết quả trong thực tại thì chỉ là một thứ tôn giáo vu nghiễn câu nệ đủ loại hình thức mà bỏ mất tinh thần, hay nếu có thần thông diệu dụng như hô phong, hoán vũ, đằng vân, độn thổ, thì cũng chỉ xảy ra torng sách, sách đời xưa. Cái thiếu nơi học là yếu tố xã hội. Mục đích của họ là “độc thiện kỳ thân” cho nên nếu không đối kháng kiểu duy lý thì lại xuất thế lên tiên, nghĩa là đi vào phi thực (iréel): phần nào đó mới là hạnh La Hán ở hào 4, nên lời kinh thêm rằng: “hoặc dược tại uyên: tực thức dã, chữ hán”, tự thức cũng là tự giác, mới đạt độ “tự giác mà chưa đạt độ nhi giác tha” của hạnh Bồ Tát. La Hán mới có lên, chưa có xuống. Bồ Tát có lên (dược tại uyên) mà cũng có xuống (phi long tại thiên). Dược tại uyên là nhảy vào nội tâm. Nội với lên cũng là một nghĩa. Bay lên trời có nghãi là trở lại gầm trời, là đi vào cõi người ta; nên lên mà là xuống, xuống mà lên, đó là ý uyển chuyển trong quẻ Kiền. Bên trời Tây cũng có những đầu óc vĩ đại đã vung vẫy ra khỏi bầu khí đặc sệt duy lý để tự tiến lên đến tâm linh. Tuy nhiên có lẽ tiêu phí quá nhiều sinh lực vào việc thoát ra khỏi lưu tục và duy lý, nên lúc đã “tự giác” thì kiệt lực không còn đủ sức để “giác tha” nữa, nghĩa là mới có lên mà chưa có xuống, tức là chưa tìm ra được lời thích nghi và giải pháp hợp với tâm trạng người đời để đưa họ ra khỏi bình diện duy lý nhị nguyên.
Chúng ta có thể kể vài thí dụ về các triết gia phản lý cho sáng tỏ vấn đề. Trước hết là trường hợp huyền sĩ Eckhart chưa phân biệt nổi tiểu ngã của xã hội (hữu lý) với đại ngã tâm linh thuộc vũ trụ (ngoại lý), nói khác mới có nhảy vào Quỳnh Hư mà chưa có trở lại trần cấu nên chưa nói được lời thích nghi cho tâm trạng đại chúng lúc bấy giờ, nên sách ông bị cấm.
Trường hợp thứ hai là Schopenhauer cũng đáng lưu ý. Với quyển “Thế giới như biểu tượng và như ý chí” ông tỏ ra đã vượt khỏi lưu tục duy lý và đạt tới đợt tâm linh. Nhưng tuy thân ông đã được an toàn, sách ông không bị cấm, nhưng trong mấy năm trường bán chạy được có gần chục quyển. Lý do? Vì tất cả giới trí thức đương thời đã bị ướp kỹ trong chất duy lý tuyệt đối của Hegel, nên chẳng mấy ai hiểu được ông. Trong suốt ba mươi năm viết bộ triết mà chỉ có một bạn thân duy nhất là con chó nhỏ Atman. Lối sống quá cô đơn ấy, với những thái độ không tương hợp với triết lý ông đưa ra (thí dụ ông đề cao khổ hạnh mà vẫn ăn sung sướng và nhất là việc ông kiện mẹ để được hết gia tài v.v…). Tất cả làm cho người ta càng khó hiểu ông hơn. Do đó ông mới có lên mà không có xuống.
Người cuối cùng tôi nghĩ đến là Heidegger, sách ra đời đến vài chục năm mới được giăm ba người hiểu nổi. Cũng may nhờ đà gia tốc của lịch sử cái gì xưa kia kéo dài từng trăm năm, thì nay rút lại mươi hai chục năm, nên đã nhiều người bắt đầu hiểu ông. Và ảnh hưởng của ôong có mòi đi lên. Tuy nhiên “ông cũng chỉ là cái pháo xì”. Bởi vì ông mới vào đựơc tiềm thể qua đường lý trí, thì như đã hết hơi: lời ông nói khó khăn như dặn đẻ, đọc lên còn có vẻ săng sắc lo sợ trước hai ông hộ pháp hữu và vô, chưa đạt đợt quang đại “vị quang đại dã, chữ hán” (quẻ hàm), chưa phải triết lý an vi ung dung thư thái “dị giản nhi đắc thiên lý”…
Đó là vài thí dụ về một số triết gia huyền niệm lãng mạn của Tây Au. Hầu hết chưa thoát vòng 3. Lý do có lẽ vì bầu khí quá hữu vi, quá duy lý của Tây Au, nên khi bước vào đợt vô vi thì quả là một sự rạn nứt đổ vỡ, để lại trong tâm hồn triết gia những vết thương quá sâu đệm, nên họ nói rất nhiều, quá nhiều về những trạng thái cô đơn, buồn nản, phản lý mà lại không đưa ra được những phương thế với những lối nói thích nghi thì làm sao đại chúng hiểu nổi họ: do đó mà lối phi lý cùng với duy lý cứ song song chạy miết chẳng bao giờ gặp nhau ở chốn “hội thông”. Bên phi lý thì coi bên duy lý “là một đoàn cừu toàn triệt không một đứa chăn” (Nietzsche). Bên duy lý ngược lại khi nghe tin Nietzsche phải vào nhà thương điên thì hạ một câu tàn nhẫn “tri nhơn thiện nhậm”, “The right man in the right place”.
Tình trạng giằng co giữa hữu vi và vô vi đó, giữa duy lý và phi lý cực đoan đó đã đưa triết học đến chỗ thất bại. Lý do sâu xa là chưa ai đạt vòng 4 của Hà Đô. Tất cả hoặc còn ơ đợt nhập của hai vòng 1, 2 hoặc xuất ở vòng 3. Chưa đạt vòng 4 hoặc hầu hết như thế, và đó là lý do sâu xa nhất của bi trạng triết học hiện nay, một giai đoạn rất giống với sự sa đọa mỗi khi con người ngơ ngác bất định giữa hữu vi và vô vi, chưa đạt an vi. Vì thế trong làng triết có một hiện tượng kỳ lạ cho tới nay chưa ai lưu ý để tìm ra lý do: đó là hầu hết các triết học gia lớn của Tây Au càng học thì càng quẩn: Socrate từ một hiền triết trở thành biện luận gia số 1 (Sophiste). Platon khi viết Timé hay Phédon thì bay bổng cung mây, đến lúc già viết bộ Les Lois thì lẩm cẩm quay ra chống đối tự do suy tư, nghĩa là hoàn toàn phản cách mạng. Descartes thì tuyên dương lương tri, như vậy thì bám sát nút đại chúng, không cất mình lên được chút gì. Còn Kant thì Nietzsche nhận xét rất xác đáng là chỉ sản xuất nổi một thứ triết cho các giáo sư nghĩa là hoàn toàn trường ốc, cắt đứt liên lạc với sinh trường sống động. Trong cuốn Critique de la raison pure, ông đã hé nhìn thấy bản thể tự nội, nhưng lần tái bản lại xóa bỏ “óc siêu tưởng” để trở về với lý trí thường nghiệm, nên cuối cùng ông gọi triết là một thứ cực hình (suplice de Tantale).
Hegel tự việc đưa con người lên địa vị Thượng Đế đang hình thành, cho đến cuối đời đốc ra một bồi bút trên các thứ bồi bút bằng một thứ tôn giáo thờ chính phủ như Thượng Đế, còn cá nhân thì ông coi như phương tiện bèo bọt… Thế là trói gọn con người nộp cho chính quyền chuyên chế. Triết học mà đã xa lạ đối với người học, thì phương chi đối với quảng đại quần chúng càng xa lạ hơn nữa và đó là căn nguyên mọi tai họa đổ vỡ tán loạn trong thế giới ngày nay. Triết học chính ra là bà chúa mọi khoa học, ngày nay trở thành một trong các chuyên khoa và người học hóa ra chuyên viên, khác chăng là không biết chuyên viên đó có dùng vào được việc chi ơn ích, hay xã hội lại phải nuôi báo cô?
3. LẠC THƯ
Khi viết Kinh Dịch, các hiền triết đã tiên đoán được trường hợp đó nên đưa ra Lạc Thư để giúp đi đến độ an vi.
Lạc thư hàm ngụ triết lý an vi là nền triết của những người biết “ở đời” cần nói vắn tắt gọn gàng để có đủ giờ dành cho hoạt động. Hà Đồ có thể nói là triết lý của các tu sĩ xuất gia có nhiều thì giờ để đi qua vòng sinh, rồi vòng hộ pháp. Vì hai vòng nay dễ làm người ta sa lầy. Vòng sinh sa lầy vào những ý niệm trừu tượng, son đẹt không gây nổi tác động. Vòng đen dể sa lầy vào những kiểu nói biếm lý, phản lý, ngoại lý, là những cái dể gây hoang mang và đảo lộn có nguy xa đời, lìa thế.
Lạc Thư trái lại dồn hết cả số sinh vào số thành làm nên một vòng; để chúng bắt liên lạc với thập tự nhai ở giữa. Thập tự nhai là Nhất thể, là gốc bổn của trời, đất, người tức là cái gì phổ biến chiếu giãi thẳng vào vòng ngoài lúc này không chỉ có số thành mà đã xen số sinh, tức là vô biên đã nhập cuộc với hữu hạn, Thường Hằng thẩm thấu vào thời gian, không gian. Cái nhìn đạo thể vô biên đã mặc lấy xác hiện tượng và nhân sinh. Ở vòng sinh thì chỉ có nhìn những ý niệm phổ quát tách rời khỏi toàn thể nên dễ rơi vào triết học duy lý trừu tượng không gây nổi ảnh hưởng vào thâm tâm hay đời sống. Ở vòng hộ pháp lại chỉ thấy sự trống rỗng, vô thường của hiện tượng nên đâm ra ngán đời đến độ lẩn trốn; bởi cái nhìn chưa đủ sức chuyển hóa những hiện tượng hay cuộc sống trong xã hội thành những trạm chiếu giãi Đạo thể vô biên, Lạc Thư tàng chứa nền Minh triết đã vượt qua hai loại nguy cơ đó để đi thẳng vào trung cung là nhân tính phổ biến, và từ đấy chiếu giãi ra vạn sự vạn vật, gây nên mối thái hòa tức hòa theo lối tam tài là lưỡng nhất tính: vòng ngoài có thành có sinh, các số 1, 2, 3, 4 chen kẽ với các số 5, 6, 7, 8 như vậy là lưỡng, còn Nhân tính ở trung cung là Nhất, tức là Nhất thể Tâm linh, bao trùm lấy hai cực sinh, thành và điều hợp tất cả trong một nền thống nhất sống động uyển chuyển. Nhờ đó triết gia không ly thế cũng không trừu tượng, song là lăn lưng vào việc, nhưng khác thông tục ở chỗ ý thức được Đạo (số sinh) nằm ngay trong đời (thành). Khỏi cần đi tìm Đạo xa xôi trên núi hay ở đâu đâu, nhưng ngay trong những việc thường nhật, những việc căn bổn nhất của xã hội: tề gia, trị quốc, an quốc, nên gọi là triết lý an vi, để biểu lộ sự nhập thể của Thường Hằng. Bởi vậy đem ngay những con số của Lạc Thư ra làm ngăn chứa đựng các việc của con người sống trong xã hội, và gọi là Hồng phạm (xem hình liền sau và xem giải rộng trong quyển chữ Thời, chương triết lý Hồng phạm).
4
Ngũ kỷ
9
Ngũ phúc Lục cực
2
Ngũ sự
3
Bát chánh
5
Hoàng cực
7
Kê nghi
8
Thứ trưng
1
Ngũ hành
6
Tam Đức
Phạm là mẫu mực, Hồng là lớn lao, tức là cái mẫu phổ biến (thập tự nhai) chiếu giãi vào sự vật, cũng như mọi hành vi tác động con người không gì phải khẳng định kiểu duy lý, hay phủ định kiểu phi lý, nhưng là hàm lý chấp nhận cả lý cả tình, cả ý thức lẫn tiềm thức, nên không có triết l ý mà lại có, có mà lại không. Đó là nền triết lý an vi rất khó được nhìn nhận vì nó kết tinh ngay vào những việc ăn làm hằng ngày: tu, tề, trị, bình… mà không mặc một hình thức riêng biệt, nên dễ lọt mắt xanh các triết học gia.
Những người này thường chú tâm đến những cái gì khác thường thí dụ những hệ thống triết ở hào 1 và 2 rất dễ nhận, vì nó trừu tượng nghĩa là xa người, khác với người như một đối vật nên người dễ nhìn thấy.
Hoặc những phương thức vô vi ở hào 4, càng là cái gì phi thường, đập vào mắt mọi người. Mọi người đang nói có, mà một người nói không thì tất nhiên nổi bật ngay ra ngoài đám đông ai cũng nhận ra được. Chí như hào 5 hợp với Lạc Thư lại là những gì rất thường thường nên không được chú ý.
Sở dĩ như vậy vì người ta không nhận ra những cái thường thường lại là những yếu tố căn bản: ăn mặc, quản trị gia đình, những mối giao liên hằng ngày trong xã hội… đó toàn là cái thường vì xảy ra luôn luôn. Nhưng chính vì nó là căn bổn nên mới năng xảy ra và vì nó năng xảy tới nên quá thường bởi vậy không được triết học gia nhìn ra sự quan trọng. Nhưng chính vì sự không nhìn ra tầm quan trọng của những cái thường đó nên đời sống mới thiếu triết lý soi đường. Bên Tây Tạng có vị Phật gọi là “thành sở tác trí” (Amoghasiddhi: sagesse qui accomplit toutes les oeuvres) phần nào giống với triết lý hào 5 hay Lạc thư, nghĩa là một vị Phật giống Bồ Tát, chú trọng đến việc trở lại độ thế. Tôi nói phần nào, vì Phật này vẫn còn là vị tu hành, cũng đi qua vòng hộ pháp, nên có bản dịch là “Bất không thành tựu như lai”. Chữ “bất không” biểu lộ đã vượt qua vòng đen, để thành tựu ở vòng 5 “thành nhân tác dã”. Cái khác nằm trong hai chữ “thần thông” (siddhi) là những tác động phi thường để làm những việc rất thường của tề, trị, bình. Nói “thường thường” là nói theo thông tục, thực ra thì không có một việc nào hay biến cố nào giống nhau nên muốn thành công cần óc sáng tạo rất nảy nở nghĩa là đòi một khả năng sáng tạo phi thường. Mà cho được như thế thì phải tiến lên thực cao: vì mỗi bước đi lên của tâm thức đều mở thêm ra nhiều khả năng, nhiều lối giải quyết cho một vấn đề. Cần phải lên tới cùng cực của bậc thang tiến hóa mới trông tìm ra cho mỗi vấn đề, mỗi việc một lối giải quyết riêng biệt, thích ứng hơn hết. Được như thế thì mỗi giải quyết là một sáng tạo, nên hào 5 nói: “Đại nhân tạo dã, thành nhân tác dã, chữ hán”… Những câu đó đều nói lên chiếu hướng “triệt thượng” cũng như “triệt hạ” của nên minh triết Lạc thư của Lạc dân. Đó là sứ điệp tiên tổ giối lại để chúng ta khai thác ra và gửi tới con người hiện đại. Con người hiện nay sống trong lo âu sợ hãi đầy bấp bênh đang cần một triết lý an thần. Và đó chính là nền triết lý phát huy từ Lạc Thư. Chữ Lạc là sông Lạc, nhưng nội dung trung thực bao gồm ý nghĩa lạc là an vui hòa vui thanh thóat, khác hơn thái độ “dược tại uyên” hầu hết mới là chấp nhận chịu vậy nên tâm trạng thường là bi đát, xao xuyến vì như vừa bị nhổ mạnh ra khỏi những bàn tay tuộc của hữu vi, nên còn đầy run sợ loa âu cám cảnh của hào tư mà chưa đạt hào năm biểu lộ bằng sự đón cháo cách tưng bừng tâm trạng mới vì rất tự do đầy tràn giải thóat, đến nỗi giải thoát lan tới tận những việc thường ngày. Và bởi vậy thay vì bi đát, thì là tâm trạng an nhiên tự tại yêu đời dấn thân. Đó là tinh hoa của nền Minh triết Lạc thư của Lạc Việt. Vì thế Lạc Việt có thể tặng cho thế giới một món quà tinh thần vô cùng quý báu mà chúng ta sẽ học cách chu đáo hơn trong các tập sau như “Lạc Thư minh triết”, và “Sinh hóa”… Trong khi chờ đợi xin đọc kỹ lại nhiều lần để ngắm vào hầu sửa soạn tâm thức đón nhận những quyển sau.
Kim Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét