Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Kinh dịch linh thể - Kỳ 5

V. Kinh Dịch như một Tâm Linh pháp
Khi tôi nhìn ra được vũ trụ toàn thể viên dung và tôi xử đối theo đó thì gọi là Đạo. Nói khác Đạo bao gồm ba yếu tố là âm, dương, hòa: khi tôi thấy cả âm lẫn dương hòa hợp thì tôi có cái nhìn của triết gia, của người hiểu Đạo.
Nhưng tại sao lại rất hiếm triết gia? Vì thường con người chỉ thấy có âm hoặc dương: âm tán dương tụ. Tán tụ là hai luật nền móng của vũ trụ. Tán là nhất thể, khi tỏa ra thì thành vạn vật lẻ tẻ riêng biệt, đó la luật mà khoa học ngày nay khởi đầu nhận ra sự giãn nở của vũ trụ. Tụ là từ sự vật đa tạp quy tụ lại một mối, một luật được khoa học nhận ra và đặt tên là luật tổng hấp dẫn (attraction universelle).
Đây là bước vĩ đại mà khoa học mới đi được để tới gần lại với nền minh triết, còn chính minh triết đã nhận ra lâu trước khi luật tán tụ đó như hai mối liên hệ ràng buộc vạn vật với nhau mật thiết đến độ gọi là vạn vật nhất thể. Chữ thể nói lên một cơ thể sống động mà âm là thở ra, dương là hút vào; bởi vạn vật đều vâng theo nhịp đó, nên vũ trụ kể là một thân thể sống động. Lối nhìn này còn thấu triệt hơn cả cái nhìn của khoa học mới nhìn thấy vũ trụ như một sự vật giãn ra co vào, co giãn cách máy móc vòng ngoài chưa hẳn như một thể sống động thở hút bao hàm cả vòng trong tức âm dương hòa hợp không còn là tụ hay tán vì nó thuộc bình diện khác hẳn, bình diện sống, mà sống là hòa hợp.
Tuy vậy cái nhìn của khoa học hiện đại đã bao quát hết vũ trụ, và như thế là đã vượt xa cái nhìn củathường nhân. Thường nhân chỉ nhìn thấy có khía cạnh đa tạp cụ thể nghĩa là đã hiện ra các hình thể hoặc như những hiện tượng thường nghiệm ví dụ nước thấm ướt, lửa đốt cháy v.v… Và cứ nói chung thì con người chỉ dừng lại nơi đây, nghĩa là chỉ thấy có sự vật đa tạp cách biệt mà không nhìn ra được mọi hiện tượng liên hệ sống động ràng buộc tất cả. Do đấy không biết Đạo, vì Đạo là nhất âm nhất dương, phải thấy cả hai mới là Đạo.
Làm thế nào để đạt Đạo? Nói khác làm thế nào để nhìn ra luật dương tụ nữa thêm vào luật âm tán? Chúng ta biết rằng dương tụ là luật phổ biến ý như âm tán cũng là luật phổ biến. Đã phổ biến thì vượt hẳn tầm mức của giác quan, nên cũng vượt lý trí và ý thức, “nơi” hội tụ của những báo cáo giác quan. Vậy mà tron gkhoa học cũng như trong đời sống thường nhật ta chỉ chú trọng đến phần lý trí ý thức, thì tức là chỉ nghĩ đến có những vật bé nhỏ phân chia. Trong khi ta chú trọng tuyệt đối vào lý trí thì gọi là duy lý, mà duy lý là cái nhìn rất hẹp hòi vì hạn cục vào có giác quan mà tầm thâu nhận rất bé nhỏ. Vì thế đáng lý phải lơi ra khỏi lý trí ý thức để nhìn rộng thêm, nhưng hầu hết con người lại ngừng ngay lại đợt duy lý nhị nguyên đó để mà tạo tác ra ý hệ, tạo tác ra những lý tưởng, những gương mẫu, những thần tượng, rồi đem hết lòng trí vào việc phụng sự tuân theo mệnh lệnh những cái đó thì tức là tự mình cột chặt mình vào những cái bé nhỏ hẹp hòi và như thế là không còn có thể thấy gì được khác. Người Cộng sản chỉ thấy là giá trị những gì theo chiều ý hệ của họ, người cuồng tín cũng chí coi là giá trị những gì theo chiều tin tưởng của họ. Đó quả là một thứ tù ngục che lấp không cho họ thấy được Đạo Thể Viên Dung bao gồm muôn khía cạnh.
Muốn thóat ra khỏi tù ngục đó thì phải biết cách lơi ra khỏi duy lý nghĩa là nên tập nhìn chiều xoay ngược lại với chiều lý trí: đó là xoay sang chiều phản lý, từ duy tình xoay sang vô tình, từ hữu vi xoay sang vô vi. Nhờ lối đi ngược chiều đó tâm thức mình dần dần trút được thói quen độc tôn một khía cạnh duy nhất để có được tâm trạng bình quân giữa có với không, giữa ý thức với vô thức, giữa tình với lý. Đó là một thứ  quân bình động đích uyển chuyển theo từng người cũng như theo luật không gian thời gian vận chuyển. Khi nào đạt tới vị trí bình quân cần thiết thì sẽ ngộ Đạo, tức là nhìn ra Đạo Thể bao gồm cả âm lẫn dương, cả xuất lẫn nhập, cả động lẫn tỉnh. Đó là đường lối của Kinh Dịch đề ra, đường này cũng có tên là Tâm Đạo.
Chữ Tâm là một danh từ không thể định nghĩa vì nội dung bao là của nó. Nếu ta gọi Tâm là vô thức thì mới nói lên được có khía cạnh chống đối với ý thức, nếu gọgi là vô lý thì mới nói được có khía cạnh phản lý… Thế mà tác động then chốt của tâm là linh, tức thẩm thấu bao trùm tất cả. Đó gọi là An Vi.
Thái độ hữu vi là duy lý. Vì là duy nên rất cần phá vỡ, bởi thế vô vi đã phản động lại bằng vô lý, vô thức, nhưng An vi nhận xét rằng nếu hữu vi là chấp nhất: nhất tán, thì vô vi cũng lại là chấp nhất: nhất tụ. Thế mà Đạo lại không ở bên âm hay dương nhưng ở trung điểm và siêu lên để ôm được cả tán cả tụ, cả âm cả dương. Nên Nho giáo kêu là Trung Dung. Trung có thể coi như nét ngang không gian chỉ giữa âm và dương, tả và hữu. Còn Dung nét dọc thời gian chỉ trên và dưới, phi thời gian và hữu thời, chỉ siêu việt thường hằng cũng như sự thường nhật liên tục. Và đấy là Đạo. Vì thế Đạo cũng chỉ là cái gì thường thường nhưng ẩn bên trong lại có cái gì Thường Hằng. Hoặc nói theo lối phân tích: đối với con mắt thường nhân chỉ là cái gì thường thường. Cùng là một cử chỉ như ăn, ngủ, nói, cười… người đạt Đạo cũng làm như người thường: bề ngoài không có gì khác nhau, nhưng trong tâm thức người đạt Đạo thì cái tầm thường được “móc nối” với cái Thường Hằng, móc nối với cái Toàn Thể Viên Dung. Người thường thấy số 8 là số 8. Thánh nhân cũng thấy số 8 là số 8 nhưng còn thấy trong 8 có số 3 bọc số 5. Nói kiểu triết lý người thường chỉ thấy hiện tượng, thánh nhân thấy cả hiện tượng lẫn ẩn tượng cũng gọi là sự vật tự thân (noumen). Dịch là ẩn tượng vì nó ẩn khuất đối với con mắt thường nhân, nên bề ngoài coi y như nhau. Với người chưa tu hay với người đã đắc Đạo thì núi này cũng vẫn là núi này. Nhưng với người chưa tu thì trọng tâm đặt ở chữ này, nghĩa là những cái tư riêng, còn ở người đạt Đạo lại nhấn vào chữ núi, nói khác nhấn vào bản thể ăn thông với toàn thể.
Hãy lấy thí dụ lời Kinh Dịch mà nói: với người thường thì những lời trong kinh Dịch cũng chỉ là những lời như bao nhiêu lời khác. Nhưng với triết gia lại thấy nó khác. Cái khác ấy ta có thể nhận ra phần nào ở trong hai điểm:
Điểm nhất thuộc phần hành văn. Đây không là những câu mạch lạc, quán xuyến kiểu triết học duy lý có luận chứng minh bạch: câu sau ăn chặt với câu trước, đọc lên thấy liền văn mạch lý cứ. Ngược lại nó cũng không hẳn phi lý kiểu những công án của Thiền tông, tuyệt nhiên không tìm ra được liên hệ lý trí nào giữa câu trước với câu sau, và ta có thể nói là phi lý hoàn toàn. Trái lại với lời kinh Dịch có thể gọi là hàm lý: nghĩa là có lý, có tình, có ý thức và cả vô thức. Có lý nên lúc đọc thấy được í t lời huấn dụ thật sâu sắc. Nhưng còn phải kể đến vô thức, cảm tình, tác động. Tất cả bấy nhiêu như hiện diện đồng đều khiến cho không còn yếu tố nào chiếm địa vị độc tôn: không duy lý, không duy tình, không duy nào cả. Nói khác là tất cả đều nằm trong thể tương đối và gây nên bầu khí thuận lợi cho tâm thức đạt trạng thái bình quân, hay là trung lập theo kiểu không dựa, không dính tuyệt đối vào cái gì cả. Đấy là một sửa soạn thuận lợi cho sự lóe sáng lên của tia Minh Đức.
Muốn đạt được ơn ích đó cần chú ý đến điểm thứ hai là cách đọc Kinh Dịch. Muốn đọc Kinh Dịch cho trúng tinh thần thì cần phải đọc theo lối ngoạn hoặc theo lối chiêm. Cả hai lối đều bắt buộc phải lơi khỏi ý thức và lý trí, cũng có khi ngưng hẳn ý thức để cho tiềm thức có đất giô lên mặt tâm thức. Sở dĩ tiềm thức hay vô thức thường không hoạt động được là do lý trí giăng bủa lưới khắp mặt tâm thức, không để hở kẽ nào cho tâm thức phát hiện. Mà tiềm thức đã không xuất hiện thì lấy gì buộc các câu rời rạc kia lại. Lời Kinh Dịch có ý để rời rạc, có ý để thiếu liên hệ của biện chứng lý luận là cột để đạt mối liên hệ lớn lao của toàn thể vượt xa mối liên hệ lý chứng. Liên hệ lý chứng cũng như văn mạch thuộc ý thức và đi vào đường tán ra vạn vật và nhập vào những luật tắc của khoa học, của sự vật có thể đếm đo, cân lượng… Còn liên hệ toàn thể thuộc tâm (tạm nói là tiềm thức hay vô thức) theo đường tụ vào Nhất thể và xuất hiện mập mờ trong cái ta quen gọi là vận số, thiên mệnh, tính mệnh, định mệnh… tức là cái gì vượt quá tầm kiểm soát của lý trí và ý thức, nên khi đọc Kinh Dịch với óc duy lý là bỏ mất phần quan trọng nhất, y như ăn cam có vỏ mà bỏ ruột vậy. Muốn nếm được ruột cần phải biết cách quan, ngoạn, chiêm, tức là những cách “đọc” riêng biệt đòi phải có cư, có an, có lạc. “Cư chi quảng cư”, duy lý chỉ ở có chỗ hẹp mà không quảng cư, an là “an thổ đôn hồ nhân”. Nếu không an thổ mà lại ý cứ vào một ý niệm rồi “đồng đồng vãng lai” trong cái đồng nhất thì đều là ý thức không phải là an thổ vì thổ là vô tâm, vô niệm, vô ý. Lạc là liễu hiểu minh triết đến độ chót sau hai đợt tri và hiểu. Tất cả mấy chữ quan trọng trên (quan, ngoạn, chiêm) đều nói lên lối đọc riêng biệt đòi có sự tham dự của lý trí, tình cảm, ý thức, vô thức, gọi tắt là tâm. Nói khác lối xem bằng lý trí thì gọi là đọc, còn lối xem bằng toàn thể con người thì gọi là quan, là ngoạn, là chiêm.
Thí dụ vài câu sau đây: “quan tượng, hệ từ yên, nhi minh cát hung, chữ hán” (hệ từ 2). Cả tượng cả từ đều là cái gì mung lung nên phải dùng lối nhìn tổng quan: nhìn mà không nhìn cái chi cả vì tượng mới là số sinh chưa thành hình tích cho giác quan, nên không thể chú mục. Vậy không nên chú mục vào một đích điểm riêng tư, không nên ý thức không nên lý luận… cốt để cho tiềm thức giô lên để nói về “cát hung”. Cát hung không thuộc định tắc khoa học hay thường nghiệm, nhưng thuộc phạm vi định số… là cái vượt ý thức và thuộc phạm vi vô thức cộng thông. Rốc két rơi vào nhà ông A và nổ chết người, đó là luật khoa học. Nhưng tại sao lại rơi vào nhà ông A mà không rơi vào nhà ông B, C, D thì đó là thời cơ vận số, khoa học không thể đo lường, vì nó thuộc phạm vi rộng lớn hơn. May rủi, cát hung v.v… thuộc phạm vi này, và con người muốn đi vào đó chỉ có lối tâm cũng gọi tạm là tiềm thức hay vô thức cộng thông tùy lúc.
Muốn đọc lối đó phải biết cách cư, an, lạc, ngoạn… như hệ từ nói: “thị cố quân tử sởo cư nhi an giả, dịch chi tự dã: sở lạc nhi ngoạn giả, hào chi từ dã, chữ hán” (H.T 2). “Cho nên quân tử phải cư để được an, đó là thứ tự của Dịch. Phải lạc và ngoạn thì mới đạt ý trong lời của hào”. Cái thứ tự là phải cư phải biết xây nhà rồi ở đời thì lòng mới an. An là “an thổ đôn hồ nhân” (tất cả đã bàn trong chữ Thời) nếu không theo thứ tự đó lại đem cái óc lý luận hạn hẹp vào Kinh Dịch thì chẳng hiểu chi hết. Ay là mới nói đến đọc để hiểu được nền minh triết chung, mà Kinh Dịch khuyên trong những câu chẳng hạn “thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng, nhi ngoạn kỳ từ, chữ hán” (H.T 2). Cho nên quân tử phải có tâm hồn an định (cư là không lạc hướng mới có thể quan tượng và ngoạn. Nhớ quan với ngoạn không phải là đọc kiểu thường).
Phương chi khi đi vào đời đầy biến hóa phải dùng đến lối chiêm, tức đem Đạo lý chung áp dụng vào từng trường hợp riêng thì càng khó hơn: lời Kinh rằng khi biến cố xảy tới (biểu thị bằng hào động) thì phải quan sự biến, đồng thời ngoạn điều mình chiêm nghiệm. “Động tắc quan kỳ biến, nhi ngoạn kỳ chiêm, chữ hán” (H.T 2). Chiêm lời hào mà chưa đạt độ lạc (lạc thiên tri mệnh cố bất ưu…) thì hiểu được cái chi? Ở đây chưa phải là chỗ đi sâu hơn được, chỉ xin tóm tắt rằng muốn hiểu kinh Dịch thì phải đọc bằng một lối riêng, lối đó buộc phải có một hai cử chỉ để gạt bỏ lý trí đặng nhường chỗ cho tiềm thức nhô lên. Do đó mới nói: “Dịch vô tư dã vô vi dã. Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, chữ hán” (H.T 10). “Đường lối xem Dịch là không duy lý luận giải cũng không hữu vi, nhưng hoàn toàn im lặng, bất động, rồi đột nhiên cảm thông được cái lý do trong thiên hạ”, thì đó là việc của tiềm thức hay là tâm nghĩa là ngoài tầm với của lý trí hạn hẹp.
Đây là lý do giải nghĩa sự phảng phất một cái gì u linh rộng lớn của “thần vật” (thi quy). Và do đó đòi phải có một số điều kiện tâm linh mới hiểu nổi kinh Dịch, một cuốn kinh mang lưỡng thê tính: một bên móc nối với lý trí, ý thức bằng những lời kèm theo tượng, còn bên kia với cõi vô thức tâm linh thì móc nối bằng tượng, bằng “thi quy” nên thi quy được gọi là “thần vật”. Nhưng thi quy cũng chỉ là những phương tiện tùy thời thay đổi, hay chẳng dùng đến cũng được; miễn hiểu rằng chúng chỉ là những phương thế ngoại lý dùng để gỡ lý trí, gỡ ý thức ra không cho bám chặt vào một khía cạnh nào, nhưng phải nhường chỗ cho các tiềm năng bao la khác của người. Chính vì chỗ bao la đó nên Kinh Dịch không thể đọc như khi ta đọc các sách khoa học, nhưng phải “đọc” trong một tâm trạng đặc biệt u linh huyền mặc. Chính vì chỗ đó mà Jung cha đẻ khoa uyên tâm đã kinh ngạc khi nhận ra trong Kinh Dịch một khoa học tâm lý vô song bất khả địc (psychology altogether unmatched Memories 375). Tuy “vô song” nhưng chúng ta có khai thác nổi hay không lại là chuyện khác. Hầu hết các học giả đời nay đều nói Kinh Dịch là một sách bói. Nói thể chí đúng có phần tư của bì phu, bởi vì Dịch gồm bốn mặt của Đạo thánh nhân:
Là ngôn từ để dạy Minh triết
Là linh động để dạy biết biến hóa
Là tượng để dạy cách chế khí cụ
Là bố phệ để chiêm nghiệm từng trường hợp.
“Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên:
Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ,
Dĩ động giả thượng kỳ biến,
Dĩ chế khí giả thượng kỳ tượng
Dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm”.
Chữ hán (I: 10,59)
Đọc câu trên rồi ta thấy câu nói Dịch là sách bói chỉ đúng có một góc, mà lại là góc ngoài, nghĩa là đọc lối thường mà không biết “ngoạn kỳ tượng, không chiêm kỳ từ”. Bởi cho được chiêm được ngoạn thì phải có những tâm kiện ra sao, nếu không phải là người đủ tâm kiện thì Đạo đâu có khi không mà hiển linh tác động. “Cầu phi kỳ nhơn, Đạo bất ư hành, chữ hán”. Vì Đạo không xa người nên đâu có cho ăn bám cách không vậy được. Đạt hay không đạt là tại nơi mình: “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Chính vì thế nên những chặng tiến tới trong quẻ Kiền (xem chương sau) đều được giải nghĩa móc nối vào con người. Văn ngôn nói:
Nguyên giả thiện chi trưởng dã
Hạnh giả gia chi hội dã
Lợi giả nghĩa chi hòa dã
Trinh giả sự chi cán dã.
Quân tử thể nhân túc dị trường nhơn
Gia hội túc dĩ hợp lễ
Lợi vật túc dĩ hòa nghĩa
Trinh cố túc dĩ cán sự
Quân tử hành tứ đức giả
Cố viết Kiền: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Chữ hán
Nguyên là đầu của thiện
Hanh là hội tụ mọi cái đẹp
Lợi là hòa hợp những cái thích nghi cân xứng.
Trinh là cần mẫn kiên trì với sự việc.
Quân tử mặc được đức Nhân thì đủ dẫn đầu người.
Vì thế bói dịch thường thấy chỉ là một lối sa đọa, nó đến sau Kinh Dịch, y như bói Kiều đến sau truyện Kiều. Học giả nói Kinh Dịch trước hết là một sách bói rồi sau mới thành sách triết là giải nghĩa theo quan điểm duy vật, hoặc duy lý tức là đợt tiến triển thứ hai của tâm thức con người sau đợt tiến thứ nhất là thần thọai dị đoan, nhưng họ chưa đạt đến đợt ba là tâm linh, cho nên họ không thể ngờ được rằng các hiền triết chép Kinh Dịch đã bỏ xa lại đằng sau đợt thần thoại cũng như đợt duy lý khách quan của họ để tiến sâu vào đợt ba tâm linh rồi vậy. Chính vì chỗ đó mà Kinh Dịch là một sách vĩ đại không phải về lượng nhưng về phẩm, nên đã tác động trên tâm thức của không người lớn nhất trong nhân loại cách bền bỉ sâu xa như chưa từng thấy và cũng chính vì tính chất tâm linh đó mà nó sẽ hướng dẫn nền văn hóa nhân loại trong những thế kỷ đang đi tới, miễn là có người vun trồng theo đúng tinh thần sách như câu sau: “Dịch chi vi thư dã, bất khả viễn, vi: đạo dã lũ thiên, biến động bất cư: chu du lưu lục hư. Thường há vô thường, cương nhu tương dịch: bất khả vi điển yếu. Duy biến khả thích, chữ hán” (H.T 8). Cái làm nên Kinh Dịch không thể xa lìa vì đường đi của nó luôn luôn biến động. Không ở trong một vị trí nào nhưng lưu thông ở 6 cõi. Lên xuống không thường: cương nhu thay đổi không thể đặt ra luật tất yếu. Chỉ phải biến hóa thích nghi…
Trở lên là thử trình bày một hai nét then chốt của Kinh Dịch mà điều quan trọng hơn cả là xem mọi biến cố trong thế tương liên với toàn thể. Muốn vậy phải dùng lối đọc riêng là ngoạn và chiêm. Nắm vững điều đó rồi bây giờ chúng ta hãy mở Kinh Dịch ra đọc thử quẻ Kiền là quẻ mở vào Kinh Dịch.
Kim Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét