Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Hai mặt trận, một cuộc chiến

Lê Văn Xương

Trong năm đầu làm chủ Bạch Cung , Ông Obama đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Mỹ nhiều hơn hẳn so với năm đầu của hai vị Tổng Thống Mỹ cộng lại , báo chí Mỹ gọi ông Obama là ngôi sao quả không sai . Nhưng ngôi sao Obama có giữ vững được tỷ lệ tín nhiệm của quần chúng đến mức nào lại là vấn đề khác . Thực tế thì sau một năm làm chủ Bạch Cung , tỷ  lệ ủng hộ Ông cũng như của Đảng Dân Chủ nói chung lại bị giảm sút thấp hơn so với tỷ lệ ủng hộ của quần chúng trong năm đầu của hai vị Tổng Thống tiền nhiệm . Kế hoạch cải tổ đầy tham vọng do ông đề ra khi tranh cử xem ra không thể giữ được hào khí lúc đầu , tranh cử thì dễ thực hành khó khăn hơn nhiều , ngay cả khi cử tri Mỹ đã dành cho Đảng Dân Chủ đa số cần thiết tại cả hai viện Quốc Hội . Kể ra thì dân Mỹ tỏ ra quá nóng ruột về đủ mọi vấn đề đối nội cũng như đối ngoại , các vấn đề như vậy không thể giải quyết chỉ trong một năm ngắn ngủi làm chủ Bạch Cung của bất cứ vị Tổng Thống nào , Ông Obama chẳng phải là ngoại lệ .

KINH TẾ MỸ VẪN PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN

Người Mỹ tỏ ra âu lo chính yếu vì chiều hướng mà nội các Obama hành xử trong các vấn đề quốc nội liên quan đến kinh tế , khi tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng , các biện pháp kích thích kinh tế không đem lại kết quả như mong đợi , nợ quốc gia tiếp tục tăng phi mã , các thứ đó đều đổ lên đầu nội các Obama . Như vậy nhìn bề ngoài thì mọi sự có vẻ rất hợp lý  để dẫn đến chỗ diểm tín nhiệm của Ông Obama giảm xuống thấp nhất sau năm đầu làm chủ Bạch Cung . Nhưng các kế hoạch cải tổ do Đảng Dân Chủ đề ra bị đe dọa cụ thể chỉ mới tuần rồi , khi cuộc bầu cử chức Thượng Nghị Sỹ tại Tiểu Bang Massassusset vốn là thành trì của Đảng Dân Chủ rơi vào tay ứng cử viên Cộng Hòa, kết quả là đa số 60 ghế tại Thượng Viện mà Đảng Dân Chủ nắm bị thay đổi để Đảng Cộng Hòa có điều kiện cản trở hầu như mọi dự tính của Ông Obama . Nay ông Obama cũng như lãnh đạo Dân Chủ tại Quốc Hội bắt buộc phải tính đến các quan điểm của Cộng Hòa trong nhiều vấn đề liên quan đến nội trị của nước Mỹ .

Các vấn đề quốc tế liên quan đến hai mặt trận trong một cuộc chiến lớn thì , hành pháp Mỹ dù là ai làm chủ Bạch Cung , cũng tương đối dễ tìm được sự đồng thuận giữa hai Đảng tại Quốc Hội . Câu hỏi đặt ra chính là tại sao vấn đề kinh tế không được hay chưa được giải quyết đến nơi đến chốn , ông Obama lại đưa ra chủ trương cải tổ y tế đầy tốn kém với quá nhiều ước tính rất khác biệt nhau từ cả hai cánh tại Quốc Hội . Trong năm đầu làm Tổng Thống , Ông Obama dành tối đa nỗ lực cho dự án cải tổ y tế toàn dân . Nay trước đe dọa toàn dự án luật có thể phải điều chỉnh lại theo yêu cầu của Cộng Hòa , thậm chí có thể chìm xuồng luôn nếu Cộng Hòa quyết không chịu nhượng bộ Dân Chủ . Giả định là nhận định sau  là đúng thì nước Mỹ đạt được điều gì ?

Việc này liên hệ đến thuật trị dân nhiều hơn là vấn đề liên quan đến uy tín của một Tổng Thống . Ai cũng biết , chi phí y tế tại Mỹ quá cao so với các quốc gia đã công nghiệp hóa , nhưng dân Mỹ cũng như các hãng bảo hiểm luôn than vãn về đủ điều , khách hàng ngày càng phải đóng góp nhiều hơn trong khi quyền lợi bị cắt dảm từ từ , đó mới là điều cần quan tâm .

Chỉ nhìn vào các số liệu thống kê thì lợi tức đầu người Mỹ đã cao hơn hết trong số các quốc gia đã công nghiệp hóa ; nếu tính đến các quyền lợi mà nước Mỹ cung cấp cho dân Mỹ với giá cả nói chung rất thấp so với các quốc gia đã công nghiệp hóa khác thì lợi tức thực sự của dân Mỹ còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê . Cả hệ thống ấy đặt dân Mỹ vào vị thế của một xã hội tiêu thụ tối đa bất chấp khối của cải mà xã hội Mỹ làm ra hàng năm (GDP) , điều này làm cho dân Mỹ đạt tỷ lệ tiết kiệm rất thấp so với các quốc gia khác . Dĩ nhiên khi bàn về tiết kiệm , tỷ lệ tiết kiệm so với GDP chỉ mới là một mặt của vấn đề mà thôi , vấn đề quan trọng về phương diện kinh tế là hệ thống sung dụng các khoản tiết kiệm đó như thế nào ? và việc xử dụng các khoản tiết kiệm đó hữu hiệu đến đâu trong quá trình chuyển dịch của tư bản ?

Một xã hội tiết kiệm cao nhưng dưới dạng vàng hay ngoại tệ chôn giấu trong dân chúng (như tại Tầu và tại VN chẳng hạn) sẽ không phải là xã hội khôn ngoan biết xử dụng tiết kiệm đúng cách . Một xã hội dồn tiền vào việc mua bán bất động sản để đẩy giá cả tăng phi mã (như tại Thượng Hải , trong năm 2009 giá địa ốc tăng 50% ) sẽ gây ra bất quân bình xã hội , mở rộng thêm hố cách biệt giầu nghèo , sẽ để lại nhiều di hại trong tương lai khiến cho xã hội trở nên bấp bênh hơn (đó là trường hợp của Tầu hiện nay) ; vì thị trường địa ốc dễ bị nổ tung kéo theo hàng loạt khủng hoảng dây chuyền , cũng như làm cho chi phí sản xuất tăng quá cao vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà đầu tư .

Nước Mỹ nói chung xử dụng các khoản tiết kiệm một cách hữu hiệu nhất ; các khoản tiết kiệm này được xử dụng trong kinh doanh tối đa , dù dưới dạng cá nhân hay công ty , thông qua thị trường chứng khoán (Wall street ) hay thị trường hàng hóa (main street) . Trên 60 % dân Mỹ can dự vào hai thị trường này dưới những dạng khác nhau cũng như quy mô khác nhau để làm giầu cho cá nhân. Khi thị trường mở rộng , chứng khoán tăng nhanh , dân Mỹ kiếm lời dễ dàng , họ tiêu thụ cũng như cho đi dễ dàng . Như thế nước Mỹ này chính là kiểu quốc gia Mercantilist hiện đại , vì đa số dân đều dựa vào thương mại để làm giầu . Người ngoài rất khó đánh giá đúng về nước Mỹ là vậy.

So với các quốc gia khác vẫn lấy việc sản xuất hàng hóa là chính (như Đức hay Nhật hoặc Tầu hiện nay) thì căn bản xã hội Mỹ có những khác biệt nhất định . Những chính sách cũng như đường lối của Mỹ không thể đơn thuần đánh giá theo cách nhìn thông thường được ; những gì họ đang làm còn báo hiệu các chuẩn bị cho xã hội Mỹ trong tương lai xa về phía trước . Các chuẩn bị như vậy , thông qua những gì mà ông Tổng Thống Obama đang làm , lại cho chúng ta một cơ hội để nhìn về một nước Mỹ trong tương lai : “ đó là chuẩn bị để nước Mỹ nắm vững vai trò lãnh đạo thế giới Toàn Cầu Hóa “ .

Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên và hoàn toàn nghi ngờ về khả năng như vậy liệu có thể sảy ra được không , khi mà số nợ quốc gia Mỹ không ngừng gia tăng , dự tính lên đến 14,000 ngàn tỷ dollar trong các năm tới , điều này có nghĩa là nước Mỹ cứ vay mượn thế giới để tiêu xài vô trách nhiệm . Câu hỏi là : tại sao phần còn lại của thế giới lại cứ phải cho Mỹ vay để tiêu xài phung phí ? Giải thích việc này không dễ vì ý định của các phía dễ gì để lộ ra ; như Tầu chẳng hạn hiện cho Mỹ vay khoảng 1,000 tỷ dollar mà chẳng dám đòi lại , vì khi đòi lại thì Tầu tự giết mình trước , nên cứ phải cắn răng chịu đựng . Tầu càng thặng dư thương mại với Mỹ bao nhiêu thì khoản nợ của Mỹ càng tăng phi mã bấy nhiêu ; đâu có phải chỉ là Tầu không thôi đâu : còn Nhật , Đài Loan , Đức , Ả Rập , Kuwait , các quốc gia ấy đều thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ cả . Như vậy khi tham gia vào canh bài này , Mỹ muốn cột chặt tất cả các anh vào một mối , để vì quyền lợi sống còn của mình các anh phải hành sử có trách nhiệm dưới quyền lãnh đạo của tôi (Mỹ).

Nhưng bao nhiêu quốc gia như liệt kê biết hành xử có trách nhiệm , cụ thể là Tầu Cộng ngày càng để lộ tham vọng không muốn lệ thuộc vào thị trường thế giới nhất là Mỹ về xuất nhập cảng , đồng thời quyết hình thành trật tự thương mại kiểu Tầu như bước khởi đầu để thiết lập trật tự thế giới kiểu Tầu . Dĩ nhiên vào lúc này thì Tầu vẫn chưa dám ra mặt thách đố với Mỹ về các vấn đề thế giới một cách công khai ; nhưng như thế , không phải là Tầu không chuẩn bị , mà thực ra họ đang chuẩn bị rất ráo riết ; vì Tầu nhìn thấy cách thức mà Mỹ cũng như phương Tây chuẩn bị cho một cuộc đụng độ toàn diện với Tầu vào một lúc nào đó không xa .

Kinh tế thế giới suy thoái bắt đầu từ nạn vỡ bong nóng thị trường địa ốc tại Mỹ cuối năm 2008 , dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng do nợ xấu đối với các công ty tài chánh cũng như ngân hàng tại Mỹ, đã đặt các công ty Mỹ trước sự chọn lựa chiến lược là phải điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược kinh doanh một cách thực tiễn hơn , thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa ngay cả khi kết quả kinh doanh rất lạc quan (như Apple quý này tuyên bố lời 3.4 tỷ dollar trong tổng doanh thu 15.7 tỷ dollar) . Tình hình này khác hẳn với thời gian trước đây đã sảy ra dưới thời ông Clinton cũng như ông Bush khi các hãng thâu dụng ồ ạt công nhân , cho dù kết quả kinh doanh thực sự cũng chẳng mấy sáng sủa .

Một lần nữa ta lại chứng kiến các nghịch lý trong kinh tế , giữa các mối liên hệ chằng chịt giữa các dữ kiện thống kê để trở trành một mớ bòng bong không thể biết được thực hư (như tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục đến mức rất thấp dưới 5% , các công ty kiếm lời lớn , ngân sách thặng dư dưới thời Ông Bill Clinton ) . Kết quả là thị trường chứng khoán tăng phi mã , cuối thời ông Bill Clinton , người dân Mỹ trở nên giầu có vượt bực . Uncle Sam giầu có ra sao chả ai biết nhưng phải cực lớn khi tiền bạc chuyển vào thị trường tài chánh Mỹ trên quy mô lớn chưa từng thấy so với quá khứ của lịch sử tài chánh thế giới .

Cuộc đổ vỡ của thị trường cuối 2008 làm cho các thị trường khác trở nên rất dè dặt đối với thị trường chứng khoán tại Mỹ ; họ quay qua kinh doanh trên thị trường chứng khoán hay thị trường hàng hóa quốc nội mà họ hy vọng rằng ít bị bất trắc hơn ; một phần không nhỏ vốn chủ yếu bởi cá nhân chuyển sang lãnh vực bất động sản , kết hợp với việc các ngân hàng giữ lại số nhà bị tịch biên chưa vội đưa ra thị trường , khiến giá cả địa ốc được khôi phục một phần nào đó trong năm 2009 . Song song với đà khôi phục lại thị trường địa ốc , thị trường chứng khoán cũng bành trướng theo . Wall Street lành mạnh trở lại khiến khôi phục lại nềm tin nơi người tiêu thụ , khôi phục lại giá chứng khoán của các công ty hàng đầu của nước Mỹ để làm gia tăng trị giá tích sản cũng như dự trữ tiền mặt của các công ty (như GMC , chẳng hạn) để các công ty này có thể trả lại số tiền chính phủ cho vay trong kế hoạch kích thích kinh tế được ban hành trước lúc ông Bush hết nhiệm kỳ .

Như vậy trong năm đầu lãnh đạo Bạch Cung , Ông Obama đã cố gắng giữ ổn định cho hai thị trường chính yếu vốn là đầu mối gây bất ổn cho kinh tế Mỹ và thế giới là thị trường  địa ốc cũng như thị trường chứng khoán , các vấn đề khác liên quan đến tính nhạy bén của xã hội Mỹ là tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng trong năm qua thì dường như ông đã không dành sự quan tâm đúng mức . Mà thực ra , nếu có quan tâm hết mức thì ông Obama cũng chẳng thể giải quyết nạn thất nghiệp trong ngắn hạn được . Các vấn đề như vậy nằm trong lòng guồng máy sản xuất của Mỹ tại các vùng kỹ nghệ phía Đông Bắc nơi công nhân đòi hỏi quyền lợi quá đáng liên quan đến kỹ nghệ xe hơi ; hiện nay quá nhiều quốc gia cùng tham gia sản xuất với mẫu mã cũng như chất lượng nhiều phẩn ngang hoặc hơn Mỹ trong khi giá cả lại rẻ hơn Mỹ .

Kỹ nghệ xe hơi Mỹ thực ra đã ở trong tình trạng chờ cải tổ toàn diện đã lâu rồi , suy thoái kinh tế năm 2008 là cơ hội để cải tổ lại toàn thể ngành công nghiệp quan trọng này , cho nên GM cũng như Chrysler phải cải tổ lại bằng cách bán lại các phân xưởng kém hiệu quả , thậm chí đập bỏ hẳn các dây chuyền lắp ráp các sản phẩm quá lỗi thời , để xây dựng lại công ty mới có khả năng cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường Mỹ và thế giới . Chỉ một năm ba anh khổng lồ xe hơi Mỹ đổi mới hầu như toàn diện , nên tình hình kinh doanh có vẻ sáng sủa hơn nhờ tái cấu trúc , nên kỹ nghệ xe hơi Mỹ có thể cạnh tranh được với các hãng xe ngoại quốc ngay trên đất Mỹ . Cảm nhận chung là khoảng cách biệt trong kỹ nghệ xe hơi Mỹ với Nhật dường như đang được thu hẹp lại từ từ .

Nhưng trong ngành này sự xuất hiện của xe hơi Tầu , Ấn Độ , Đại Hàn lại là một đe dọa mới đối với tất cả các anh khổng lồ khác trong lãnh vực này , nhất là tại Tầu hiện nay giá thép đang giảm đến mức độ đáng quan ngại so với giá cả tại các quốc gia khác , kỹ nghệ chất dẻo ngày nay tương đối phổ biến rộng rãi . Các quốc gia mới nổi đều có khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ , có thể có sự tiếp tay với các ông chủ dầu hỏa đầy tham vọng và cũng muốn dùng số tiền dự trữ của họ sao cho có lợi nhất nên họ sẵn sàng đầu tư vào mọi cơ hội có thể sinh lời tối đa so với số vốn đầu tư . Các quốc gia mới nổi lại có khối nhân công rẻ được đào tạo tương đối tốt nhưng ít đòi hỏi quyền lợi . Khi khoảng cách về kỹ thuật từ từ giảm xuống thì khả năng cạnh tranh của các nước hậu công nghiệp với các quốc gia mới nổi xem ra là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nền kinh tế đã công nghiệp hóa .

Thế giới toàn cầu hóa được đẩy quá nhanh về phía trước như hiện nay thực ra cũng là bước tiến tất yếu của tiến trình phát triển kỹ thuật cao từ phía Mỹ , Âu Châu cũng như Nhật Bản khi kỹ thuật Nanotech IT (information technology)  mở rộng trước tiên tại Mỹ sau đó tạo ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu , việc này tạo ra lắm hệ lụy tốt cũng như xấu đối với thế giới . Cụ thể mà nói quốc gia nào nắm được lợi thế thương mại thì họ có cơ hội khai thác lợi thế ấy tối đa để củng cố sức mạnh của mình và có chiều hướng muốn xâm thực các quốc gia khác bất chấp các hệ lụy sảy ra với toàn cầu (như Trung Cộng chẳng hạn) ; mặt khác tiến bộ khoa học lại thúc đẩy thế giới đi quá nhanh vào tiêu thụ hàng hóa cũng như dịch vụ trên quy mô toàn cầu , để rồi hình thành một lớp giầu có mới trẻ tuổi nhưng không hề được thử thách bởi thị trường , đầy tham vọng muốn thu vén tối đa tài sản vào tay mình .

Tình hình này trở nên nguy hiểm đối với các quốc gia độc tài Cộng Sản , khi giới mới giầu luôn cấu kết với giới cầm quyền để tước đoạt tài sản của cả nước một cách có hệ thống . Kết quả là cách biệt giầu nghèo trong hầu hết các quốc gia mới nổi ngày càng đào sâu thêm . Đáng quan ngại nhất ở chỗ rất hiếm nhà cầm quyền nào trong số các quốc gia mới nổi biết dành các phương tiện cần thiết cũng như tập trung nỗ lực đúng cách vào việc giải quyết có hệ thống vấn nạn xã hội của quốc gia mình . Kết quả là làn sóng di cư bên trong từ nông thôn ra thị thành kiếm sống ngày càng trở nên khốc liệt hơn , tội ác đủ loại gia tăng mau chóng đang từng bước dẫn đến chỗ đe dọa sự ổn định chính trị tại các quốc gia mới nổi . Các nỗ lực quốc tế xem ra thất bại hoàn toàn trước vấn đề xã hội của thế giới đang mở mang , vì họ không thiếu tài nguyên mà vì tài nguyên bị lạm dụng bởi một nhóm nhỏ thao túng . Ta gọi họ là tư bản mới chăng ? ta bản đỏ chăng ? Tư bản dòng tộc chăng ? cả ba từ đó có lẽ đều đúng cả .

Đối với các quốc gia đã công nghiệp hóa cũng có vấn đề nghiêm trọng không kém khi họ chứng kiến làn sóng từ phương Đông đang tràn qua với sức mạnh kinh hồn có khả năng làm đảo lộn hoàn toàn trật tự cũ  dựa trên ưu thắng của Phương Tây , đã được hình thành trong hơn 4 thế kỷ qua . Ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật quả không nhỏ trong quá trình giải phóng nhân loại , để từng bước hợp nhất nhân loại về một mối . Như vậy Phương Tây nói chung cần chuyển mình ra sao để thích nghi với tình hình mới của nhân loại khi mọi quốc gia đều cố gắng làm giầu để san bằng cách biệt với phương Tây . Khi khỏang cách càng rút ngắn thì điều gì sẽ sảy ra đối với nhân loại khi sản xuất quá nhiều trong khi thị trường tiêu thụ không mở rộng được do hầu hết các quốc gia đều tập trung vào xuất cảng từ nông , ngư nghiệp đến hàng tiêu dùng đủ loại . Thế giới đi vào thời kỳ khủng hoảng thừa như hồi 1929 chăng ? Liệu thị trường có thể tự điều tiết được hay không ? Các xã hội Phương Tây cần làm gì để đối phó với mối đe dọa kiểu xâm lăng mềm như vậy ? Đó là các câu hỏi lớn đối với thế giới .

Các ảnh hưởng về môi sinh khi mọi quốc gia đều cố sản xuất để bán hàng đến các thị trường tiêu thụ chính mà quên hẳn việc củng cố và mở cửa thị trường quốc nội cũng như khôi phục môi sinh , sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường đối với các nền kinh tế mới nổi trong tương lai không xa , khi tài nguyên được khai thác quá mức trong nước họ cũng như đối với các quốc gia nhỏ nhưng lắm tài nguyên như tại Châu Phi hay Nam Mỹ chẳng hạn . Chủ trương chiếm đoạt thị trường cùng tài nguyên thiên nhiên trên quy mô toàn cầu hiện được Bắc Kinh ráo riết thi hành bất chấp hậu quả ra sao đối với thế giới , việc này tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Trung Cộng với các quốc gia khác sát nách với Trung Cộng cũng như đối với thế giới .

Minh chứng cụ thể nhất là tại Hội Nghị Copenhagen về môi sinh mới đây , Trung Cộng quyết tẩy chay mọi giới hạn về khí thải được dự trù cho năm 2050 khi các quốc gia đã công nghiệp hóa cam kết sẽ giảm khối khí thải xuống 80% so với hiện nay . Mặt khác cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Bắc Kinh về việc khai thác nguồn khí đốt nằm trong vùng tranh chấp giữa hai nước bất ngờ trở nên gay cấn khi Nhật lên tiếng dọa xử dụng mọi biện pháp ngăn chặn việc Bắc Kinh khai thác khí thải tại vùng tranh chấp ; chỉ mới năm 2008 , cả hai phía đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này , nhưng bất ngờ Bắc Kinh tiến hành khai thác bất chấp thỏa thuận đạt được với Nhật Bản trước đó chưa đầy hai năm . Các điều đó đều để lộ cho thấy Bắc Kinh chính là quốc gia hung đồ , đang dành mọi nỗ lực gây bất ổn cho thế giới .

Chính trong điều kiện như vậy , biến động tài chánh cuối năm 2008 phải xảy ra để đặt mọi quốc gia trên thế giới này vào chỗ phải tự điều chỉnh cấu trúc , nghĩa là cả hệ thống kinh tế tài chánh thế giới cần được cải tổ cho thích nghi với thế giới trong tương lai . Cho dù các quốc gia mới nổi (như Tầu chẳng hạn) đồng ý hay chống đối , cải cách hay không cải cách ; dù họ chọn cách nào thì hậu quả sẽ tới các xã hội ấy phải chịu ; phương Tây cứ cải tổ hệ thống của mình , đó là thực tế hiện nay .

Đối với Hoa Kỳ cũng như Phương Tây nói chung , khi tiến trình toàn cầu hóa bị đẩy quá nhanh về phía trước bằng việc chuyển giao ồ ạt kỹ thuật cũng như thị trường tự do hóa toàn cầu đã sớm dẫn đến chỗ khu vực tài chánh các quốc gia phương Tây bị các quốc gia mới nổi lấn sân đến mức độ báo động ; nhiều công ty tài chánh phương tây lao vào việc kiếm lời , chia sẻ lợi nhuận quá đáng cho các thành viên quản trị , trở thành kẻ giết công ăn việc làm tại chính quốc gia mình . Tình hình này là một đe dọa đối với an ninh của khối G7 trong lâu dài , cho nên cần tiến hành cải tổ toàn hệ thống trước khi quá trễ ; để kinh tế nhóm G7 có thể cạnh tranh được với kinh tế các quốc gia mới nổi thông qua các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với hệ thống tài chánh nói chung , kiểm soát tiền thưởng dành cho các Giám Đốc , sửa chữa khuynh hướng tiêu xài thái quá trong khối G7 , kềm hãm tối đa việc tăng phúc lợi cho công nhân nói chung thuộc đủ mọi khu vực kinh tế quốc gia .

Đó là cả một kế hoạch dài hạn , đâu có thể chỉ trong một vài năm của một hành pháp có thể hoàn tất được mục tiêu đề ra . Thực ra thì kinh tế thế giới hiện nay , không thể giải quyết bằng các biện pháp kinh tế thuần túy được , mấu chốt của vấn đề là chính trị trên phạm vi toàn cầu . Chừng nào vấn đề chính trị chưa giải quyết thì , khó khăn kinh tế vẫn treo lơ lửng ở đâu đó , bất cứ lúc nào cũng có thể gây đổ vỡ cho kinh tế thế giới .

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2010 .

Người Mỹ vẫn nói đến hai cuộc chiến , bình thường đều nghĩ đến Irak và Afghanistan , rộng hơn về mặt chiến lược phải nghĩ rằng Hán với Cực Đoan Hồi Giáo . Hồi Giáo thực ra chưa phải là vấn đề chi phối toàn diện đối với bất ổn thế giới hiện nay , Hán mới là yếu tố gây bất ổn chính . Ông Bush khi mở hai mặt trận tại Afghanistan và Irak , về tổng quát mà nói nên được coi là kế hoạch giải giới từng bước một các quốc gia được coi là hung đồ . Ông Obama chỉ là người nối tiếp chủ trương ấy mà thôi , nên những ai đánh giá ông Obama này nọ là cách đánh giá kiểu quần chúng , đối với những người quan sát thời cuộc ngọn nguồn thì sự đánh giá phải khác . Về phương diện kinh tế , nội các Obama thực hiện các cải cách về luật tài chánh ngân hàng , cũng như cải tổ cơ cấu kinh tế thuộc các khu vực được coi là yếu kém của Mỹ để chuẩn bị cho tương lai . Về phương diện đối ngoại , nội các Obama tiếp nối một cách rất tốt đối với các chuẩn bị dưới thời Ông Bush về an ninh cũng như kinh tế .

Nhưng đối với quần chúng thì tỷ lệ thất nghiệp cao 10% hiện nay trong khi không có dấu hiệu khả quan trong thị trường lao động , trở thành mối bận tâm chính của cử tri Mỹ . Cho nên trong diễn từ Liên Bang , ông Obama tập trung vào vấn đề thất nghiệp , khi đưa ra một số đề nghị cụ thể liên quan đến chủ trương giảm thuế , xử dụng tiền kích thích kinh tế trên 800 tỷ dollar chưa xử dụng hết cộng với ngân khoản được các ngân hàng và công ty trả lại cho chính phủ để đầu tư vào khoảng 60,000 dự án đầu tư hạ tầng khác nhau , Ông hy vọng sẽ tạo thêm 1.5 triệu việc làm trong năm nay . Nhưng ngay trong ngày mà Ông Obama đọc thông điệp Liên Bang thì Tim Geistner Bộ Trưởng Ngân Khố bị các Dân Biểu thuộc cả hai đảng đả kích kịch liệt về vai trò của Ông trong vụ cứu công ty AIG khi ông còn làm Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang chi nhánh New York . Điều này cho thấy dân Mỹ bắt đầu tỏ ra khó chịu về khoản tiền cho AIG vay tạm để điều hành hầu tránh vỡ nợ toàn diện đối với toàn hệ thống tài chánh Mỹ và thế giới .

Nhưng bài diễn văn Liên Bang của Ông Obama có nói đến việc đặt ra mục tiêu là sẽ tăng trị giá xuất cảng của Mỹ lên gấp đối trong năm năm tới . Đây là một suy nghĩ rất táo bạo nhưng hệ thống truyền thông Mỹ tránh nói tới , không ai hiểu tại sao . Thực tế của kinh tế Mỹ và thế giới hiện nay thì việc tăng gấp đôi trị giá xuất khẩu trong năm năm tới là vô phương , trừ khi có một phép lạ nào đó sảy ra đối với thế giới chỉ trong năm nay hoặc năm tới để tạo điều kiện căn bản cho đà phục hồi kinh tế . Nhưng phản ứng của thị trường ngay hôm sau cho thấy mối âu lo tiềm ẩn phía trước ; khi các thị trường Á Châu cũng như Âu Châu đều giảm , kéo theo thị trường Down Jones giảm theo khoảng 100 điểm , trong khi các báo cáo kinh doanh của nhiều công ty hàng đầu cho thấy mức lời khả quan , thí dụ Ford cho biết lời trong năm đạt mức 2.7 tỷ dollar sau thời gian dài bị lỗ , tỷ lệ tăng trưởng tại Mỹ trong tam cá nguyệt này vượt quá 5% báo hiệu đà phục hồi kinh tế tại Mỹ như đã được dự báo trước đây .

Dù sao phản ứng của thị trường nói chung thường phản ảnh tình trạng kinh doanh ngắn hạn . Đánh giá thị trường trong trung hạn cần dựa trên các yếu tố kinh tế chính trị nhiều hơn là chỉ dựa vào kết quả kinh doanh của các công ty trụ cột . Xét cho cùng ra thì cho dù chính quyền Obama có tung hết ngân khoản kích thích kinh tế 800 tỷ dollar để đầu tư trực tiếp vào các công trình hạ tầng - như ông tuyên bố cấp tín dụng bước đầu cho dự án xây dựng đường xe lửa cao tốc tại Florida là 8 tỷ dollar và sẽ còn tiếp tục tăng thêm sau này , cũng như cấp tín dụng đầu tư vào năng lượng sạch như gió , năng lượng mặt trời - thì khó khăn kinh tế của nước Mỹ vẫn không thể giải quyết tương đối thỏa đáng được . Vì số công việc tạo dựng do việc chính quyền cấp tín dụng trực tiếp thường không phải là giải pháp tốt nhất , nó sẽ đẩy guồng máy chính quyền trở nên quá lớn . Động lực chính xuất phát từ khu vực tư , chính quyền chỉ tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia các dự án phát triển như vậy mới đem lại kết quả trong lâu dài .

Mà quả đúng như vậy , kế hoạch xây dựng hệ thống xe lửa cao tốc trên quy mô cả nước sẽ tạo dựng rất nhiều công ăn việc làm trong tương lai xa , như khi xưa hệ thống xe lửa Liên Bang , hoặc hệ thống xa lộ Liên Bang được xây dựng để làm đà thúc đẩy kinh tế phát triển . Dự án tại Florida chỉ mới là bước khởi đầu mà thôi . Đầu tư của chính quyền như vậy là cần thiết để bảo đảm các cam kết trong lâu dài .

Khi bắt buộc phải hành xử như vậy , thực tế cho thấy khu vực kỹ nghệ tài chánh Mỹ vẫn chưa ổn định đủ để tạo điều kiện cho khu vực ngân hàng dám đầu tư toàn diện vào các công trình lớn mang tầm cỡ quốc gia (như hệ thống xe lửa cao tốc chẳng hạn) . Kinh tế thế giới hiện nay khác hẳn với thời kỳ 1957 khi Ông Eisenhower (Tổng Thống lúc ấy) tung tiền thuế vào việc xây dựng lại hệ thống xa lộ trên toàn nước Mỹ nhằm tạo ra công ăn việc làm sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 . Nhưng dự án kích thích kinh tế như vậy cũng chỉ tạo tác dụng tốt đối với kinh tế Mỹ cũng không quá quá 10 năm , để đến năm 1965 thì cuộc chiến VN mở rộng trên quy mô lớn đã thu hút đại bộ phận dân chúng tham gia ,cùng với chiến phí khổng lồ mới kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống được . Tình hình hiện nay chẳng dễ chút nào , khi quá nhiều quốc gia có khả năng cạnh tranh với Mỹ về đủ mọi lãnh vực xuất phát từ áp lực đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ cho các quốc gia mới nổi có tham vọng chính trị lớn . Chuyển giao kỹ thuật cao cho nước này thì phải chuyển giao cho nước kia để giữ cân bằng chiến lược trong khu vực (như Ấn Độ với Tầu chẳng hạn) .

Khoảng cách về kỹ thuật giữa hai phía ngày càng được thu hẹp thì sức cạnh tranh của lao động tại Mỹ cũng giảm theo . Cho nên Mỹ cần cải tổ thị trường lao động (không tăng lương) cũng như tăng gia đầu tư tối đa vào giáo dục là vậy , việc này cũng chỉ phát huy tác dụng trong đường dài mà thôi . Tuy vậy cũng không thể giải quyết rốt ráo vấn đề của kinh tế xã hội Mỹ chừng nào các quốc gia khác vẫn cố tình thiết lập rào cản đối với hai lãnh vực dịch vụ quan yếu mà Hoa Kỳ có lợi thế toàn diện là : dịch vụ tài chánh ngân hàng , cũng như tài sản trí tuệ . Các quốc gia ấy (như Tầu chẳng hạn) cho dù dự trữ ngoại tệ dồi dào , vẫn sợ tài chánh Mỹ khi nhảy vô thị trường nội địa một quốc gia sẽ biến quốc gia ấy thành vệ tinh về tài chánh của Mỹ , để lâu dài chịu sự khống chế của Mỹ về mặt tinh thần .

Thực tế trong hơn 60 năm qua cho thấy , mối âu lo như vậy ít có cơ sở vững chắc ; ví như Nhật Bản hay Đức chẳng hạn , họ mở cửa cho dịch vụ tài chánh Mỹ vô nhưng họ mau chóng trở thành đồng minh được kính trọng của Mỹ . Cứ nhìn các diễn biến kinh tế trong thời gian dài đã qua , so chiếu với các diễn biến chính trị luôn cho thấy , chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch toàn diện kiểu pháo đài trong thời thuộc địa , nay chuyển sang kiểu “ bảo hộ mậu dịch có chọn lựa “ đối với Tầu . Như vậy trong bao lâu nữa thì kinh tế thị trường tự do mới được thế giới tôn trọng , nhất là đối với quốc gia mới nổi muốn nuôi thạm vọng bành trướng như Tầu chẳng hạn .

Chính trong bối cảnh đó cuộc chiến tranh kinh tế giữa Mỹ với Tầu được mở rộng từ từ , nhưng bên ngoài ít ai hay . Vụ Google tố cáo Tầu kiểm soát trang mạng của họ là điển hình , vụ cả triệu xe làm tại Tầu cho trẻ em bị thu hồi là điển hình khác ; vụ Toyota phải ngưng bán 8 loại xe , đóng cửa mấy nhà máy lắp ráp tại Mỹ theo yêu cầu của Bộ Vận Tải , đồng thời Quốc Hội ra lệnh điều tra về các khiếm khuyết liên quan đến hệ thống chân Gas , tất cả được sản xuất tại Tầu là vụ nghiêm trọng nhất làm cho Toyota phải kêu lại sửa chữa 5.3 triệu xe hơi . Với Honda , Nissan thì sao ? câu hỏi vẫn còn lơ lửng ở đó .

Liên quan đến thương mại hiện nay giữa Tầu với thế giới , ta nên tìm hiểu đôi điều . Tầu ỷ thị trường lớn cũng như sức mạnh chính trị của mình , nên không chịu làm gia công , vì gia công là thể hiện sự thua sút và là cơ hội để người ngoài can dự vào nội bộ của Tầu liên quan đến an ninh tình báo . Nên Tầu đòi hỏi các khách mua hàng bán design cho Tầu để Tầu sản xuất theo design ấy để bán lại sản phẩm cho khách đặt hàng . Làm như vậy đương nhiên tầu làm chủ sản phẩm do Tầu làm ra . Ai cũng biết giữa sản phẩm chào hàng mẫu với sản phẩm thực khi giao hàng thì chất lượng hoàn toàn khác nhau . Nên Toyota cùng nhiều hãng khác bị kẹt nặng là vậy , vụ này cho nổ ra vào lúc này không phải vô tình . ta nên coi đó là mặt khác của cuộc chiến tranh kinh tế giữa Phương Tây với Tầu

CÁC DIỄN BIẾN THẾ GIỚI  .

Càng theo đuổi vấn đề càng thấy bế tắc của thế giới hiện nay không thể giải quyết thông qua thương thuyết được ; thương thuyết dù theo cách nào cũng chỉ là các bước chuyển tiếp để các phía tất yếu phải đi vào chiến tranh . Ta tự hỏi , liệu Tầu có nhượng bộ Mỹ về quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quan hệ giữa hai anh khổng lồ này hay không ? . Hai phía vẫn tỏ ra rất lịch sự trong ngoại giao ở mặt nổi , nhưng trong chỗ riêng tư thì cuộc đấu đá rất nặng nề , quyết chẳng bên nào nhượng bên nào . Những sự kiện như vậy ít để lộ ra ngoài nên người bàng quan không thể hiểu nổi . Chỉ xin ghi lại vài điều liên quan .

Mọi người đều biết rằng , người Mỹ đang chuẩn bị các bước kế tiếp cho việc cải tổ chính trị tại một số quốc gia Đông Nam Á , để các quốc gia này thực sự trở thành các nền dân chủ vững chắc trên căn bản hệ thống chính trị Lưỡng Đảng như tại hầu hết các quốc gia tự do dân chủ khác . Tại Miến Điện cuối cùng thì bà Aung San Sukyi sẽ được trả tự do để trở thành lãnh tụ đối lập trong một nước Miến Điện hai đảng . Thái Lan thì hai đảng áo đỏ áo vàng . Lào , Cambodge hay VN cũng đang chuẩn bị cùng hướng . Các chuẩn bị ở Nam Á hay Trung Á tỏ ra mờ nhạt hơn so với vùng ĐNÁ .

Kế đến là cuối tháng 12- 2009 , tại Trung Tâm Đông Tây tại Hawai , bà Hillary Clinton đã đọc một bài diễn văn khẳng định là “ Mỹ trở lại Á Châu và ở lại đấy “ . Dĩ nhiên chúng ta không mù quáng tin ngay vào các lời tuyên bố chính trị kiểu đó , mà cần nhìn vào tình hình thực tế trong toàn vùng với các diễn biến đang sảy ra .

Ta hãy xem tình hình Yemen , trong hội nghị do Anh Quốc đứng mời phía Mỹ cũng như Yemen tham gia . Bà Clinton nói rõ là : Hoa Kỳ thỏa thuận với chính quyền Yemen trong việc cung cấp các trợ giúp cho Yemen trong ba năm (tức là chấm dứt vào 2012) , ta cần đặc biệt lưu ý đến thời hiệu ba năm mà bà Clinton nói đến trong hội nghị này . Yemen thực tế đã chia đôi bắc nam từ thời chiến tranh lạnh , hai phía tạm đình chiến , nhưng 400,000 người Somalia tỵ nạn tại đó , người Hutus ở phía bắc , chính quyền Yemen yếu kém nên dễ trở thành thiên đàng cho al Queda .

Cũng tại London , thứ năm lại diễn ra hội nghị 60 quốc gia cùng năm tổ chức quốc tế dưới sự chủ tọa của Ông TTK / LHQ , Thủ Tướng Anh cùng TT Kazai xứ Afghanistan bàn về tương lai của Afghanistan . Chắc chắn Hội Nghị này sẽ đề ra một thời biểu rút quân NATO khỏi chiến trường này có thể trong năm 2011 hoặc trễ lắm là 2012 . Việc này đã được Thủ Tướng Đức nói đến công khai , bà Clinton trong cuộc họp báo nói rõ là vào thời điểm tháng 7-2011 , mặc dù ông Kazai đòi hỏi thời biểu lâu hơn có thể đến 15 năm nữa . Phương Tây như lời Thủ Tướng Anh Gordon Brown nói : bàn với chính quyền Kazai về nhiều vấn đề như ngân khoản 140 triệu nhằm đưa một bộ phận Taliban chấp nhận hòa giải dân tộc được ổn định cuộc sống , như việc chuyển giao cho chính quyền Afghanistan phụ trách an ninh từng tỉnh một để quân NATO không còn tác chiến mà chỉ trợ giúp kỹ thuật mà thôi , số nhân viên dân sự của Anh sẽ tăng gấp đôi , Mỹ tăng gấp ba tại Afghanistan .

Đặc biệt trong hội nghị về Afghanistan lần này , không có sự hiện diện của ngoại trưởng Iran hoặc cấp đại sứ Iran , dù lời mời thạm dự đã được chuyển đến cho phía Iran , họ từ chối với lý do là không thuận tiện . Thái độ của Iran như vậy báo hiệu sự bất trắc đối với tình hình tại Afghanistan trong tương lai không xa , nhất là khi NATO rút khỏi nơi này để giao lại trách nhiệm cho người Afghan tự cai trị đất nước mình .

Việc rút quân Mỹ khỏi Irak đã được Ông Obama đề ra cuối năm nay  trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ . Nhưng việc rút quân NATO khỏi Afghanistan chưa mấy rõ ràng , nhưng khi Chính Phủ Kazakhstan cho phép tiếp liệu cho quân NATO tại Afghanistan được đi qua lãnh thổ xứ Trung Á rộng nhất vùng này đặt ra những suy nghĩ khác về mặt chiến lược . Nếu không có sự đồng ý trên nguyên tắc của Nga , Kazakhstan chẳng dễ dàng đồng ý như vậy . Vì trên tuyến đường tiếp tế dài như vậy, quân NATO phải xử dụng đường xe lửa do Liên Xô xây dựng trong vùng trước đây ; như thế quân NATO thực tế hiện diện trên hầu khắp vùng Trung Á , cho dù với số lượng nhỏ thì cục diện cũng đã thực tế tạo ra sự đổi thay tương quan về mặt chiến lược đối với Khối Hiến Chương Thượng Hải do Tầu đứng chủ xướng . Trong buổi họp báo tại Paris ngày hôm sau , bà Clinton đã nói : “ Russia was no longer our adversary but a  partner on key global issues “ . Với Tầu bà tuyên bố : “ China was hesitant to jeopardise economic ties with Iran , but urged to “ think about “ the longer term implication for peace in the region “ . Hai lời phát biểu cũng nói lên nhiều điều liên quan đến tình hình trong vùng .

Ở khía cạnh khác của chiến trường Afghanistan thì , đường tiếp tế qua Pakistan nay bị đe dọa nghiêm trọng vì các bất ổn tại Pakistan , cũng như việc quân Mỹ và NATO gia tăng áp lực với Taliban cũng như al Queda tại vùng bộ tộc Waziristan cũng như bên trong lãnh thổ Afghanistan . Nếu tình hình tại Afghanistan bất ngờ xấu đi vì bất cứ lý do gì , khiến quân NATO phải gấp rút rời khỏi Afghanistan thì NATO có một đường rút an toàn . Dĩ nhiên đối với tướng lĩnh cầm quân nơi trận địa , họ phải tính mọi tình huống có thể sảy ra . Cho dù trong điều kiện hiện nay thì một cuộc lui binh bất ngờ như vậy ít có khả năng sảy ra .

Người Nga thực tế có vẻ chuyển hướng nhắm vào quyền lợi chiến lược lâu dài của mình trong vùng Á Châu Thái Bình Dương , hơn là quyền lợi thương mại ngắn hạn với Tầu  khi Phương Tây nhìn nhận quyền lợi của Nga tại Thái Bình Dương ; điều mà hơn hai thế kỷ trước , dưới thời các Tsar Hoàng luôn bị Anh và Mỹ cự tuyệt bằng cách âm thầm dùng sức mạnh của Nhật để cản bước đường đi ra Thái Bình Dương của Nga , hoặc cố tình không xâm lăng toàn thể nước Tầu thời nhà Thanh để Tầu vẫn còn khả năng cản chân Nga xâm nhập Á Châu . Trong điều kiện như vậy , Việt Cộng quay trở lại với Nga để mua vũ khí để hy vọng có thể giữ vững chiến tuyến ít ra là có thể làm giảm áp lực của Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp . Nhưng quan trọng nhất là mối quan hệ giữa VC với Mỹ ; sau chuyến viếng thăm Mỹ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh , thì một phái đoàn quân sự của VC không rõ cấp bậc đến thăm Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương tại Hawai được tiếp đón trọng thể khi tầu chở phái đoàn này đến thăm Đài tưởng niệm Trân Châu Cảng treo cờ VC , một hành động như vậy của phía Mỹ chưa bao giờ sảy ra tại đây .

Hẳn Bắc Kinh nhìn sự kiện đó với nhiều ưu tư , nên Đại Sứ Tầu tại Hà Nội mới lớn lối đe dọa VN là chờ cho tình hình diễn biến ; ngôn ngữ như vậy ngầm báo hiệu rằng Tầu sẽ đánh VN khi đúng lúc . Song song với diễn biến như vậy , mối quan hệ giữa Tầu với Nhật gia tăng căng thẳng khi Nhật tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp ngăn chặn Tầu khai thác khí đốt trên vùng biển tranh chấp giữa hai nước , mặc dù thỏa hiệp sơ bộ hai phía ký kết chưa quá hai năm (2008) . Tiếp theo sau , Tầu điều động đơn vị hỏa tiễn loại mới nhất có tầm bắn 1500 Km đến Quảng Tây có khả năng đe dọa Ấn Độ , Đài Loan cũng như VN .

Tình hình khu vực xem ra ngày càng suy đồi thêm khi Tầu nhất mực bảo vệ Iran chống lại mọi biện pháp cô lập Iran được Phương Tây ủng hộ . Như thế vấn đề chỉ là : khi nào Iran bị đẩy vào chân tường để phải hành động quyết liệt tại nơi mà NATO bị coi là yếu thế nhất mà thôi . Về vấn đề cấm vận Iran , Tầu có vẻ như nhượng bộ đôi chút , nhưng dường như nói để lấy lòng giới truyền thông nhẹ dạ mà thôi , để Tầu có lý do để đổ lỗi cho Phương Tây sau này .

Điều quan trọng khác mà ta cũng cần quan tâm là các hệ thống truyền thông chính tại Mỹ cũng như Âu Châu bắt đầu lên tiếng đồng loạt đả kích cách làm ăn kiểu Bắc Kinh : như chương trình Mad Money do Jim Cramer của CNNBC hôm 26-1 đã nói thẳng việc ấy ra , như lời tuyên bố mới đây của Friedman một nhà bình bút của tờ New York Time (vốn rất dè dặt về các vấn đề thế giới) phát biểu tại Hongkong là “ hãy quên nước Tầu đi “  , một tỷ phú Ả Rập khác rất am tường thế giới đã phát biểu trên chương trình Charlie Rose của NPR về vấn đề Tầu khi ông này đồng ý với nhận định của Friedman . Chiều hướng này cũng sảy ra đối với các hệ thống truyền thông Âu Châu .

Kể cũng khó đánh giá về thế giới trong điều kiện như hiện nay . Khi tranh cử , ông Obama nêu khẩu hiệu : “ change , we can “ . Ít ai tự hỏi là thay đổi thì thay đổi cái gì ? trên quy mô nào ? quốc tế hay chỉ vấn đề nội bộ của nước Mỹ không thôi ? Nếu chỉ quan niệm trong phạm vi hẹp nước Mỹ thì sự thay đổi mà ông Obama đề ra chẳng thay đổi được gì nhiều . Cả thế giới nay lệ thuộc vào nước Mỹ , nhưng nước Mỹ cũng lệ thuộc vào thế giới vì các tệ hại mà thế giới đã và đang gây ra . Cho nên khi nói đến thay đổi , như khẩu hiệu mà ông Obama đề ra , ta nên quan niệm rộng là : “ thay đổi thế giới , chúng ta có thể  , change the world , we can “ .


Nước Mỹ này mang trong mình nó sứ mệnh mà lịch sử giao phó , họ muốn chối bỏ cũng chẳng được. Xin hãy lấy vài thí dụ cụ thể : sóng thần tại Nam Dương Mỹ cũng phải tiếp cứu , động đất tại Haiti cách nay vài tuần , LHQ bó tay , cũng đến Mỹ đem phương tiện đến cứu trợ . Các nơi sảy ra tai nạn lớn như vậy , sự hiện diện của Mỹ là một bảo chứng rằng mọi truyện sẽ được giải quyết thỏa đáng . Nhưng thế giới vẫn có những thế lực muốn lật đổ vai trò của Mỹ trên thế giới để thiết lập trật tự thế giới theo cách của mình (như Tầu là cụ thể) ; nếu điều đó sảy ra thì thực không biết rồi ra thế giới sẽ ra sao . Xin hãy nhớ : quân Liên Xô khi xâm lăng Afghanistan năm 1979 , họ đã giết mọi người Afghan trên bước đường tiến quân của họ . Tầu ngày nay khi cần cũng sẽ hành động như Liên Xô cách nay 30 năm thôi , bản chất của chế độ CS luôn là vậy .

Hãy giả định rằng vào một lúc nào đó , nếu tai họa lớn sảy ra cho nhiều vùng khác nhau thì sao ? Thế lực nào trên thế giới này có thể đủ sức ổn định tình hình . Và rồi nếu tai họa lớn cùng lúc sảy ra cho chính nước Mỹ thì sao ? liệu nước Mỹ có quay về củng cố chính quốc của mình không ? khi ấy thế giới sẽ loạn to , ngày cuối cùng dễ gì tránh được .

Jan 27-2010
Lê Văn Xương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét